Nhiều người dân mất hàng trăm triệu đồng vì trót góp vốn vào chương trình kinh doanh đa cấp có tên “Đầu tư sản xuất và phát triển máy đào vàng” của Công ty Trest Global.
Ly kỳ chiếc “máy đào vàng”
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 11/2014, một công ty có tên Trest Global do ông Toh Seng Kiat (Malaysia) là giám đốc, lập chi nhánh tại TP.HCM để kêu gọi người dân tham gia đầu tư một chương trình gọi là “Đầu tư sản xuất và phát triển máy đào vàng”.
Hiện người đứng đầu chi nhánh công ty này tại Việt Nam tên là C.V.H, ngụ tại quận Bình Thạnh, cùng với H. còn có 2 người phụ nữ khác tham gia kêu gọi người chơi. Sau một năm phát triển, hiện 3 người này đã mở chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với số người chơi lên tới gần 200.
Bà C.H đang giải thích cho hàng trăm khách hàng đòi tiền vì trót tham gia hình thức đầu tư này. |
Trong vai một người dân muốn tham gia vào chương trình đầu tư “máy đào vàng”, tôi được H. hẹn gặp để trao đổi về hình thức đầu tư.
H. cho biết, công ty đến Việt Nam nhiều năm nay, hiện đang xây dựng trụ sở gần Sân bay Tân Sơn Nhất. “Đây là tổ chức từ thiện rất lớn của thế giới và đa quốc gia, có trụ sở chính tại Mỹ và văn phòng ở Đông Nam Á được đặt tại Malaysia, Công ty đang thực hiện rất nhiều dự án để tự gây quỹ từ thiện. Đặc biệt với kênh đầu tư ủy thác bằng việc mua lại công nghệ sản xuất máy khai thác vàng của một kỹ sư tại Anh và đang thực hiện sản xuất phát triển máy này”, H. cho biết.
Cũng theo H. hiện tại, Công ty đã sản xuất thành công một máy khai thác vàng và đang thực hiện khai thác tại Thái Lan với hai mỏ vàng. “Máy này to bằng mấy cái xe tăng, thực hiện khai thác trên cạn và dưới biển, tìm kiếm vàng bằng công nghệ vệ tinh. Hiện tại, ở Việt Nam, Công ty đã phát hiện ra mấy mỏ vàng và chuẩn bị khai thác, đã thông qua ký kết với Chính phủ hợp đồng khai thác, trong đó Chính phủ được 50% và chúng tôi được 50% số vàng thu được”, H. “nổ”.
“Từ sự phát triển của máy đào vàng này, chúng tôi kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng hình thức ủy thác, khách hàng đầu tư tiền để cùng chúng tôi sản xuất máy và thực hiện khai thác vàng.
Với hợp đồng đầu tư là 2 năm và hoàn vốn theo chu kỳ cứ 6 tháng lại hoàn vốn 25%. Về lãi của nhà đầu tư thì công ty sẽ chi trả bằng lãi tháng và phụ thuộc vào gói mình đầu tư. Gói thấp nhất là 600 USD sẽ có lãi 3%/tháng, tương đương với 270.000 đồng; cao hơn là gói 3.000 USD, lãi suất 4%, tương đương với 2.800.000 đồng/tháng và gói cao nhất là 60.000 USD là 9%, tương đương với 90.720.000 đồng/tháng”, H. tư vấn.
Khi được hỏi về việc khi nhà đầu tư đóng tiền cho Công ty thì có hợp đồng gì hay không, H. cho biết, khi đóng tiền nhà đầu tư không có hợp đồng gì, mà sẽ được Công ty cấp cho một mã số để đăng nhập vào tài khoản trên hệ thống website: trestsglobal.hk của Công ty.
Từ đây khách hàng có thể kiểm tra tài khoản cũng như tiền của mình, tiền lãi sẽ đổ vào đây hàng tháng, khách hàng muốn rút lãi sẽ được chuyển vào ngân hàng với giá USD lúc đầu đóng được công ty quy định là 21.500 đồng/USD và khi thanh khoản lãi qua ngân hàng sẽ áp giá đô quy đổi là 18.000 đồng/USD.
“Khi anh tham gia đầu tư và kéo theo được người khác cùng tham gia chương trình, sẽ được hưởng 8% trên số tiền người mình kéo vào tham gia. Đặc biệt, anh có thể mở văn phòng kết nối hệ thống, anh càng mời được nhiều hội viên vào thì càng được nhiều %”, H. nói.
Hỏi về việc Công ty đã có giấy phép kinh doanh tại Việt Nam hay chưa. H. cho biết, hiện tại đang xin giấy phép, tuy nhiên, công ty đang ký với 9 chính phủ tại 9 quốc gia, riêng Việt Nam thì chưa có ký kết, giấy phép hoạt động đang xin và giấy phép khai thác vàng thì chưa xin.
Đối với nguồn thu để trả lãi hàng tháng cho người đầu tư thì H. nói nguồn thu chính để trả cho người dân đó là từ máy khai thác vàng và sản xuất máy.
“Ở 3 miền đang có khoảng hơn 170 nhà đầu tư. Khi chính thức khai trương văn phòng, lượng người tham gia sẽ cao hơn vì chúng tôi đang đi khắp cả nước để kêu gọi nhà đầu tư”, H. nói.
Đổi tiền thật lấy... điểm
Chiều ngày 29/11, tại TP.HCM, một cuộc họp giữa các nhà đầu tư tại TP.HCM và bà C.H, một trong các đại diện của Công ty Trest Global ở Việt Nam, đã diễn ra nảy lửa, vì sau khi bỏ hàng ngàn USD đầu tư vào cái gọi là “máy đào vàng”, nhưng sau đó người dân không được chi trả lãi cũng như gốc theo thỏa thuận miệng. “Không biết đòi tiền ai nên chúng tôi chỉ biết tìm tới người đã đưa chúng tôi tham gia vào chương trình này để đòi tiền”, bà M.L ngụ tại Đà Nẵng cho biết.
Theo bà M.L, thì khi tham gia vào kênh đầu tư này, người dân chỉ biết là đóng tiền cho người giới thiệu về chương trình là bà C.H, rồi được cấp mã số để vào kiểm tra tài khoản cũng như số tiền đã đầu tư.
Bà C.H phân trần với nhà đầu tư là, khi họ đầu tư tiền vào đây sẽ được đổi từ tiền ra điểm số chứ không phải tiền mặt và người đầu tư càng nhiều tiền thì điểm càng cao. Trước áp lực đòi tiền của những nhà đầu tư, bà C.H cho rằng, mình không có trách nhiệm gì, các nhà đầu tư cần tìm người đứng đầu công ty này là ông Toh Seng Kiat mà đòi.
“Tôi chỉ là người có quyền quản lý của Công ty tại Việt Nam trong vòng 1 năm mà thôi, còn giờ tôi không phải là người quản lý công ty này. Tất cả tiền do nhà đầu tư chuyển về đều được tôi chuyển cho ông Toh Seng Kiat”, bà C.H nói với những người dân tham gia đầu tư “máy đào vàng”.
Sau khi xem toàn bộ hồ sơ phóng viên thu thập được, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Những hoạt động này sử dụng danh nghĩa và núp bóng việc huy động vốn, để lôi kéo nạn nhân với chiêu bài mức siêu lợi nhuận, hoa hồng kiểu đa cấp. Đây là hình thức trái pháp luật (hoạt động không phép, vi phạm điều cấm của pháp luật về đầu tư, thu tiền không lập chứng từ…).
Hành vi này đã có dấu hiệu tội phạm mang tính tổ chức và đặc biệt nghiệm trọng. Hoạt động xuyên biên giới, hoạt động theo hội kín để che giấu hành vi phạm tội, biến nạn nhân thành đồng phạm đắc lực để họ tự tiếp tục tìm kiếm, dẫn dắt chiếm đoạt tiền của người khác”. Với hoạt động tinh vi và nham hiểm này, Cơ quan điều tra cần vào cuộc ngay để triệt phá án.
Theo Gia Huy (Báo Đầu Tư)