Cường Đôla xây cao ốc, bà Nguyễn Thị Như Loan 'khóc ròng' vì dự án dở dang

15/04/2019 17:33:04

Trong khi ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đang cùng Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường chuẩn bị cho dự án chung cư Chánh Nghĩa Quốc Cường (tên thương mại C Skyview Bình Dương) thì tại Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường Đô la) lại kể về tình cảnh "sống dở chết dở" của doanh nghiệp khi đang có tới 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha.

Cường Đôla xây cao ốc, bà Nguyễn Thị Như Loan 'khóc ròng' vì dự án dở dang
Ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla-PV). (Ảnh: Internet)

Cường Đôla chuẩn bị cho dự án

Năm 2018 có lẽ một năm khó khăn đối với doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla – PV) nói riêng và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nói chung. Hàng loạt các dự án bất động sản của Quốc Cường Gia Lai tại một số tỉnh, thành bị cấm chuyển nhượng, cấm xây dựng dự án. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Phước Kiển (TP.HCM) gây xôn xao dư luận. Dự án này khiến ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, phải chịu kỷ luật.

Còn ông Nguyễn Quốc Cường sau đó ít tháng cũng từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vì lý do cá nhân. Song sau đó ít tháng, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) bất ngờ được biết tới với một vai trò mới, là Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường – doanh nghiệp trụ sở tại tòa nhà Becamex, 230 Đại lộ Bình Dương, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. 

Theo tìm hiểu, Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường được thành lập vào tháng 9.2018 với vốn điều lệ 1.169 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (nắm 74,68% vốn) và hai cá nhân Vương Kim Soa cùng Lý Kim Thoa mỗi người nắm 12,6% vốn. Trong đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 1.2019, Chánh Nghĩa Quốc Cường đã giảm vốn điêu lệ xuống 428 tỷ đồng, còn Quốc Cường Gia Lai đã thoái bớt vốn tại đây, chỉ còn nắm giữ số vốn với tỷ lệ 30,8%, tương đương 132 tỷ đồng. Sang tháng 2.2019, trong nội dung đăng ký doanh nghiệp của Chánh Nghĩa Quốc Cường, ông Nguyễn Quốc Cường xuất hiện với vai trò là Tổng giám đốc của công ty. Vốn điều lệ của Chánh Nghĩa Quốc Cường tăng lên 708 tỷ đồng.

Cùng với đó, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) cũng chia sẻ trên Facebook cá nhân nội dung đăng tuyển nhân sự ở nhiều vị trí cho Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường như kế toán trưởng, kế toán viên, trưởng phòng nhân sự, trưởng phòng kinh doanh và trưởng phòng pháp chế.

Cường Đôla xây cao ốc, bà Nguyễn Thị Như Loan 'khóc ròng' vì dự án dở dang - 1
Ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đăng tin tuyển dụng nhân sự cho công ty mới. (Ảnh: Internet)

Gần đây, theo thông tin từ Tạp chí Nhà đầu tư, Chánh Nghĩa Quốc Cường được biết đến là chủ đầu tư dự án chung cư Chánh Nghĩa Quốc Cường (tên thương mại C Skyview Bình Dương) tại đường Trần Phú, khu dân cư Chánh Nghĩa Bình Dương.

Dự án do Công ty Cường Đôla làm chủ đầu tư nằm trên lô đất 8.600m2, sẽ gồm 2 block 35 tầng, trong đó có 2 tầng hầm để xe hơi xe máy, tầng thương mại (shophouse) và khuôn viên cảnh quan, hồ bơi, các tiện ích nội khu, 2 tầng trên cùng là penthouse.

Trong đó, hai cá nhân Vương Kim Soa và Lý Kim Thoa góp vốn vào Công ty Chánh Nghĩa Quốc Cường bằng quyền sở hữu lô đất 8.600m2. Ông Vương Kim Soa được biết đến là đại diện pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân Đồng Tiến - một doanh nghiệp được thành lập từ năm 1998 với ngành nghề chính là sản xuất gốm sứ.

Ông Vương Kim Soa và bà Lý Kim Thoa được biết đến là người sở hữu hai thửa đất số 19 và 20 tờ bản đồ số 27 phường Chánh Nghĩa, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Hai lô đất này có diện tích hơn 8.600m2 và nguồn gốc sử dụng đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Trong hơn 8.600m2 đất thuộc quyền sở hữu của ông Soa và bà Thoa có 2.109m2 thuộc đất ở đô thị, còn lại là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Năm 2018, Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nhà Bè đã đem hai thửa đất do ông Soa và bà Thoa sở hữu ra đấu giá để thu hồi khoản nợ của Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu xây dựng Hoàng Việt (hơn 35,7 tỷ đồng) và Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ An Bình Phát (hơn 80 tỷ đồng).

Thời gian tổ chức đấu giá là ngày 27.11.2018 tại Công ty đấu giá hợp danh Bình Minh. Song đến nay, thông tin 8.600m2 đất thuộc quyền sở hữu của ông Soa và bà Thoa chưa rõ đã được bán đấu giá thành công chưa?

Mẹ Cường Đô La “khóc ròng” vì dự án ách tắc

Về phía Quốc Cường Gia Lai, trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo Thành uỷ TPHCM, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, đã kể về tình cảnh "sống dở chết dở" khi đang có tới 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha.

Bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ: “Nếu không vì cổ đông, vì 3.000 nhân viên thì tôi đã tự tử rồi”. Theo bà Loan, dự án dù đã bán rồi nhưng "đi mòn dép" cũng không làm được sổ đỏ cho người mua.

Cường Đôla xây cao ốc, bà Nguyễn Thị Như Loan 'khóc ròng' vì dự án dở dang - 2
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. (Ảnh: Internet)

Bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng, các dự án của công ty mình không phải vướng vì “hồi tố đất công”, vì quỹ đất này chủ yếu là đất nông nghiệp, doanh nghiệp tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.

Kể về dự án 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè, mẹ Cường Đôla nói như khóc: "Tốn 3 năm xin thủ tục đầu tư. Tháng 10.2017, dự án này được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư. Tháng 10.2018 dự án đã duyệt xong 1/500.

Thủ tục đã hoàn tất, hồ sơ không sai bất cứ dấu phẩy. Thế nhưng, khi trình UBND TPHCM thì chuyên viên trả về với lý do: "Sở Xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành", trong khi chuyên viên đòi là phải ghi "hoàn thành" thì mới nhận".

"Chỉ một câu chữ thôi mà bắt chúng tôi phải quay lại từ đầu làm lại dự án gần như 100%, từ duyệt quy hoạch 1/2.000, trong lúc chúng tôi đã được duyệt đồ án 1/500”, bà Loan bức xúc.

Chưa dừng lại ở đó, khi hồ sơ trở về "số mo", bà Loan liên hệ Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài Chính, UBND quận 7...  để cập nhật phê duyệt quy hoạch. Do quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời giám đốc nên Sở Tài chính bảo bà Loan nếu muốn nhanh thì phải tự tìm hồ sơ.

“Tôi bỏ cả ăn sáng, ăn trưa. Tôi ngồi chầu chực ở quận 7 lấy được hồ sơ. Thế nhưng, khi tôi đến Sở Quy hoạch kiến trúc thì bị yêu cầu phải có công văn từ Sở Tài chính”, mẹ Cường Đôla chia sẻ.

Theo PV (Dân Việt)