Anh Mominul Hassan là một lao động nhập cư người Bangladesh tại Singapore. Cũng tương tự như nhiều công nhân công trình nhập cư khác, anh Hassan không dám bật camera khi gọi video về cho gia đình. Nguyên nhân chính là anh không muốn thấy vợ con nhìn thấy tình trạng gầy gò ốm yếu của bản thân.
"Nếu vợ tôi nhìn thấy cô ấy sẽ lo lắng và muốn tôi về nhà. Tôi rất nhớ nhà nhưng tôi cũng cần kiếm đủ tiền trước khi về nước", anh Hassan nói.
Cách đây 8 năm, anh Hassan đến Singapore làm công nhân xây dựng khi có cân nặng 65kg. Hiện nay, anh chỉ còn 55 kg do tình trạng thiếu thốn thực phẩm và đói ăn.
Nghe có vẻ buồn cười nhưng đây lại là sự thật. Quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á lại đang gặp thách thức với nạn lãng phí thực phẩm, nhưng các công nhân nhập cư tại đây lại bị bỏ đói. Họ nhận lương thấp và chẳng đủ ăn khi ngành thực phẩm cố tình chèn ép, tận dụng tâm lý tiết kiệm của lao động nước ngoài.
Lương thấp, đói ăn
Bộ mặt hào nhoáng của Singapore hiện đang phải dựa dẫm vào lượng lao động nhập cư nước ngoài cực lớn từ những quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh hay Myanmar. Họ là những công nhân xây dựng nên các tòa nhà chọc trời với tổng giá trị lên đến gần 22,5 tỷ USD trong năm 2018.
Điều trớ trêu là Singapore chẳng có mức lương tối thiểu cho lao động nhập cư, khiến họ chỉ được trả khoảng 13-15 USD/ngày. Hầu hết công việc mà những công nhân nhập cư nhận được là lao động nặng nhọc trong khoảng 10-12 tiếng/ngày.
Đây là 1 trong những nguyên nhân chính khiến rất nhiều lao động chấp nhận làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập mang về cho đất nước. Bên cạnh đó là việc phải ăn những thực phẩm giá rẻ, nghèo dinh dưỡng bởi chẳng đủ tiền tiêu.
Trên các bản hợp đồng, những công việc chân tay tại Singapore khá hấp dẫn với 90-110 USD/tháng, ngày 3 bữa ăn được đưa tới tận công trường.
Dẫu vậy, thực tế thì những bữa ăn này rất tệ, không đủ dinh dưỡng hay thậm chí là đã hỏng. Ví dụ 1 bữa sáng của công nhân Ấn Độ có thể bao gồm 2-3 lát bánh mỳ dẹt truyền thống cùng đậu lăng nấu bơ, hoặc cá khô hay 1 chút cà ri. Bữa trưa và tối có thể là cơm trắng với cà ri cùng chút thịt và rau.
Chưa nói đến dinh dưỡng và vệ sinh, hầu hết bên cung cấp thực phẩm của Singapore đều nấu sẵn thức ăn từ trước để tiết kiệm chi phí. Nghĩa là nếu công nhân làm việc từ 7 giờ sáng thì bữa sáng lẫn bữa trưa đã được giao từ 6 giờ. Bởi vậy đồ ăn thường nguội ngắt và chẳng thơm ngon chút nào.
Quy định chất lượng thực phẩm của Singapore bắt buộc những doanh nghiệp cung cấp thức ăn đóng gói phải ghi rõ hạn sử dụng, thường tối đa là 4 tiếng kể từ lúc nấu xong.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn cho công nhân ăn thức ăn giao sớm dù đã quá thời gian bảo quản. Hệ quả là hàng loạt lao động nhập cư phải ăn bữa trưa để nguội 6 tiếng đồng hồ dưới thời tiết nóng bức tại Singapore.
"Thức ăn thường khá ổn khi chuyển đến vào buổi sáng nhưng khi chúng tôi ăn vào bữa trưa, chúng đã hỏng. Tôi thường phải vứt 1 nửa số thức ăn vì chẳng thể nuốt nổi", anh Hassan than vãn.
Chưa dừng lại ở đó, do là khu công trường nên những suất ăn này không có nơi bảo quản mà vứt bừa bãi tại 1 góc. Hệ quả là chúng không chỉ hỏng dưới thời tiết nắng nóng của Singapore mà còn là địa điểm lý tưởng cho chuột, chó hoang đến mò ăn.
Trước tình trạng này, nhiều công nhân nước ngoài đã phải cố ăn hết thức ăn trong 1 bữa hoặc chịu khó uống nước tăng lực thay bữa trưa để quên cảm giác đói.
Quán ăn tố khổ
Singapore có khoảng 1,5 triệu lao động nhập cư và việc bán đồ ăn cho số này cũng là 1 ngành kinh doanh tiềm năng. Tuy nhiên với chi phí đắt đỏ tại đây, nhiều nhà hàng, quán ăn đang phải đau đầu để cắt giảm chi tiêu.
Sự cạnh tranh trong mảng này là khá lớn khi các quán ăn thi nhau giảm giá. Họ hiểu rằng với lao động nhập cư, giá cả cao hơn chất lượng.
"Cũng tương tự như nhiều ngành khác, bạn trả nhiều thì nhận được chất lượng tốt hơn. Đây chẳng phải lỗi của quán ăn cũng như công nhân", một chủ quán ăn 47 tuổi tại Singapore cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ các công trường, những quán ăn phải hoạt động hết công suất 24 tiếng mỗi ngày, tất cả các ngày trong năm. Chính điều này khiến họ tốn khá nhiều chi phí cho hậu cần, tiền điện, nhân lực trong khi giá cả tại Singapore khá đắt đỏ. Điều này khiến lợi nhuận biên của các quán ăn rất nhỏ.
Một số quán ăn cho biết họ chỉ lãi 0,3 USD cho mỗi suất ăn và để tăng lợi nhuận, họ phải cắt giảm chi phí giao hàng, tức chỉ giao gộp bữa sáng lẫn trưa, cũng như giảm chất lượng món ăn.
Đối với những công ty thuê lao động nước ngoài, họ cho biết công nhân chẳng thể đòi hỏi hơn khi mỗi bữa ăn chỉ có giá 1,2 USD tại 1 nền kinh tế nổi tiếng đắt đỏ.
Với khoảng 1,5 triệu lao động nhập cư tại Singapore đang sinh sống và làm việc, câu chuyện thực phẩm đang dần trở thành vấn đề lớn. Chúng liên quan không chỉ đến sức khỏe mà còn đến nền kinh tế của Singapore khi đây là lực lượng chủ chốt làm nên tăng trưởng cho thị trường này.
Theo AB (Nhịp Sống Kinh Tế)