Cuộc đua mới của xe ôm công nghệ ở Sài Gòn

25/08/2018 15:10:06

5.000 đồng một chuyến đi dưới 8 km, Go-Viet đang hút một lượng lớn khách hàng. Tài xế cũng đổ về vì ưu đãi. Trong khi đó, Grab cũng "rục rịch" thay đổi để giữ đối tác và khách.

Đậu xe chờ khách trước bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM), tài xế Ngọc Ánh (đối tác mới của hãng Go-Viet) cho biết anh mở ứng dụng từ lúc 7h, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ đã hoàn thành được 5 cuốc xe.

Nhẩm tính số tiền kiếm được, anh Ánh dự đoán hôm nay có thể kiếm khoảng 500.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể nhận được thêm một khoản tiền thưởng của hãng do chạy được nhiều chuyến trong ngày.

Áp lực đến từ người chơi mới gia nhập thị trường

Tài xế này cho hay hiện Go-Viet tung ra nhiều ưu đãi nên thu hút rất đông tài xế. Cụ thể, hãng miễn phí toàn bộ đồng phục gồm mũ bảo hiểm, áo khoác cho các tài xế mới. Đồng thời, Go-Viet cũng không thu chiết khấu trong thời hạn 6 tháng với các tài xế đăng ký ở đợt đầu tiên.

“Hiện nay, số lượng tài xế đăng ký Go-Viet khá đông nên địa điểm đăng ký trở nên quá tải. Tôi có hướng dẫn một vài người bạn đăng ký mới, nhưng họ phải chờ hãng hẹn ngày giờ lên nhận đồng phục, cũng như học các quy định, trung bình cũng phải mất vài ngày”, anh Ánh nói.

Cuộc đua mới của xe ôm công nghệ ở Sài Gòn
Cuộc chiến mảng xe ôm công nghệ nóng trở lại với sự tham gia của một doanh nghiệp mới.

Là đối tác gần một tháng nay của Go-Viet, anh Ánh cho biết gần đây khách hàng rất chuộng hãng này vì mỗi chuyến đi chỉ có giá 5.000 đồng.

Go-Viet chính là công ty con tại Việt Nam của hãng gọi xe công nghệ được định giá 1,8 tỷ USD từ Indonesia. Hồi tháng 4, hãng nay cho biết sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Ra mắt đầu tháng 8 tại TP.HCM, để khách hàng quen, Go-Viet đã “tung” chiêu khuyến mãi 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8 km có lộ trình bắt đầu tại một số quận trung tâm TP.HCM.

“Với những chuyến này, khách chỉ trả 5.000 đồng, hãng hỗ trợ cho tài xế 25.000 đồng, tức đảm bảo giá tối thiểu cho mỗi cuốc là 30.000 đồng. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có lợi cho khách hàng, lẫn những tài xế như chúng tôi”, anh Ánh cười.

Tài xế Phạm Văn Tuấn (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết thêm ngoài số tiền hỗ trợ mỗi cuốc, hãng này còn áp dụng chương trình tích điểm cho đối tác, nếu đạt các mốc cố định sẽ được nhận thêm tiền thưởng.

“Tài xế chúng tôi thường cố gắng đạt mốc cao nhất là 13 điểm, chúng tôi được nhận thêm 220.000 đồng. Thật ra không khó đạt mốc này đâu, tôi và nhiều người vẫn thường xuyên được, nếu cố gắng. Số tiền thưởng này và cả tiền phụ cấp cho mỗi cuốc sẽ được công ty trả vào cuối tuần để anh em có tiền đổ xăng”, anh Tuấn vui vẻ nói.

Do ở huyện ngoại thành, ít khách hàng và Go-Viet chưa áp dụng chương trình đồng giá 5.000 đồng/chuyến tại đây, mỗi ngày, tài xế này đều lên trung tâm để đón khách.

Anh Tuấn cũng tiết lộ từng là tài xế của Grab, tuy nhiên vài tháng nay, doanh thu sụt giảm hẳn vì tài xế quá đông nhưng không có khách, anh buộc phải thay đổi nơi làm việc.

Anh nói rằng không chỉ anh mà nhiều đối tác của Grab cũng ùn ùn sang đăng ký làm tài xế cho hãng mới. Ngoài ra, những cựu tài xế trước đây từng làm cho Uber cũng quyết định “đầu quân” cho ứng dụng gọi xe công nghệ của Indonesia Go-Viet.

Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm chưa đầy một tháng nhưng theo ghi nhận của Zing.vn, hiện nhiều khu vực ở TP.HCM như các quận 1, 3, Bình Thạnh… đồng phục màu đỏ của các tài xế hãng Go-Viet xuất hiện ngày càng nhiều bên cạnh màu áo xanh lá quen thuộc của Grab.

Grab lo giữ khách, giữ tài

Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, Grab dường như chiếm lĩnh mảng gọi xe công nghệ trong nước, thậm chí có ý kiến cho rằng, hãng này đang độc chiếm thị trường. Sau thương vụ sáp nhập, nhiều khách hàng cũng phàn nàn về chất lượng phục vụ, giá cước tăng chóng mặt của Grab, cánh tài xế lại than phiền về chiết khấu.

Cuộc đua mới của xe ôm công nghệ ở Sài Gòn - 1
Nhiều chương trình khuyến mãi, nhiều tài xế và khách hàng đã chọn ứng dụng mới. 

Trước sự tấn công rầm rộ của Go-Viet, Grab cũng rục rịch tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để giữ chân tài xế và khách hàng của mình.

Với khách hàng, Grab dùng “chiêu” miễn phí chuyến đi dưới 5 km ở các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, áp dụng giá 2.000 đồng/chuyến dưới 8 km ở một số quận nội thành TP.HCM, đồng thời, giảm giá mạnh với khách hàng trả cước qua GrabPay.

Riêng tài xế của Grab, hãng cũng áp dụng việc hoàn lại 5% doanh thu mỗi tuần cho các tài xế GrabBike, GrabBike Premium, GrabExpress tại TP.HCM.

Tương tự chương trình thưởng của Go-Viet, Grab cũng có chính sách thưởng cho các đối tác lái xe máy 220.000 đồng/ngày, nhưng số cuốc xe cao hơn, 16 cuốc thay vì 13 cuốc của đối thủ mới.

“Số cuốc yêu cầu cao, lại không được hủy chuyến, trong khi Grab rất đông tài xế, nên anh em khó có thể đạt được điều kiện này”, anh Đại, tài xế GrabBike cho biết.

Anh cũng cho biết thêm nguyên nhân nhiều tài xế bức xúc rời khỏi hãng đăng ký qua Go-Viet vì Grab bắt buộc tài xế chỉ làm việc duy nhất cho hãng. Nếu Grab phát hiện vi phạm điều này, tài xế sẽ bị khóa ứng dụng. Trong khi đó, Go-Viet và ứng dụng gọi xe công nghệ khác để “thả” cho tài xế.

“Rõ ràng quy định này hết sức phi lý, là đối tác của Grab, chúng tôi vốn không có các phúc lợi khác như bảo hiểm nhưng lại quy định ràng buộc nhau. Trong khi đó, người lao động ai cũng muốn có thêm nhiều thu nhập nên cài đặt cùng lúc 2 ứng dụng là chuyện rất bình thường”, anh bức xúc.

Grab muốn đi trước Go-Viet?

Sau thành công ở thị trường TP.HCM, Go-Viet đang có kết hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ra Hà Nội vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, hãng này chưa công bố cụ thể các chính sách ưu đãi dành cho đối tác mới và khách hàng.

Cuộc đua mới của xe ôm công nghệ ở Sài Gòn - 2
Nhiều khu vực ở TP.HCM như các quận 1, 3, Bình Thạnh… tài xế hãng Go-Viet xuất hiện ngày càng nhiều .

Trong khi đó, Grab đã sẵn sàng cho nhiều chương trình khuyến mãi tại Hà Nội để đi trước Go-Viet một bước. Cụ thể, một số khách hàng ở thủ đô đã nhận được thông báo ưu đãi 15.000 đồng/chuyến trong tuần khi thanh toán qua GrabPay hoặc chỉ cần hoàn thành 6 chuyến GrabBike, khách sẽ được đi với giá chỉ 2.000 đồng/chuyến cho 30 chuyến.

Startup gọi xe Go-Jek (Indonesia) gia nhập thị trường Việt Nam với tên gọi Go-Viet vào đầu tháng 8 năm nay. Go-Jek được đầu tư bởi nhiều công ty như Astra International, Warburg Pincus, KKR, Meituan-Dianping, Tencent, Google và Temasek.

Ngay khi Uber rút khỏi Đông Nam Á, công ty này đã tuyên bố rót 500 triệu USD để triển khai dịch vụ tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines để mở rộng phạm vi toàn cầu.

Với sự hậu thuẫn lớn về vốn và kỹ thuật, dường như sự xuất hiện của Go-Viet và nhiều hãng gọi xe khác hiện có mặt trên thị trường như Vato, Mai Linh, Fastgo… đang khiến “cuộc chiến” ứng dụng gọi xe công nghệ có dấu hiệu sôi động trở lại.

Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật