Theo khảo sát của Havas Riverorchid vào năm 2017, 80% người được hỏi cho biết từng sử dụng dịch vụ giao thức ăn tận nơi. Tuy nhiên, năm ngoái, khi không ít người thành thị quen dần với các dịch vụ đặt món trực tuyến thì đó cũng là lúc thị trường không còn "bình yên".
Sau cuộc "bán mình" cho đối thủ vào cuối năm 2015 của Foodpanda, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam còn hai tên tuổi được nhiều người biết đến là Delivery Now (tức Foody) và Vietnammm. Một số cái tên khác được cho rằng chiếm thị phần còn khá nhỏ như Eat.vn và Chonmon.vn. Chính khảo sát của Havas Riverorchid cũng xác nhận, Delivery Now là cái tên đầu tiên được người dùng nhắm đến khi hỏi về dịch vụ đặt món ăn tại TP HCM.
Báo cáo của Euromonitor cho biết, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm nay và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tuy nhiên, những chuyển động mới nhất cho thấy, miếng bánh 33 triệu USD giờ đã có nhiều người mới muốn chia.
Lala, được đầu tư bởi Scommerce Group được xem là một "ngôi sao đang lên" nhờ lợi thế về công nghệ và lực lượng giao hàng trong hệ sinh thái của Scommerce Group. Khác với nhiều dịch vụ đặt món trực tuyến, Lala cung cấp ứng dụng cho người dùng và cho đối tác nhà hàng. Phía nhà hàng trực tiếp nhận thông tin đặt món, đóng-mở theo thời gian thực, ứng với tình hình chế biến.
Sau đó, nhà cung cấp này phân bổ người giao nhận là đội giao hàng của Ahamove (cũng thuộc Scommerce Group). Ngay từ khi thành lập cách đây một năm, Lala có ngay 6.000 tài xế của Ahamove mà không cần phải tự đầu tư riêng, vốn là gánh nặng khiến Foodpanda "ngã ngựa".
"Với một đối thủ lớn của chúng tôi, họ có 500 nhân viên phục vụ và 500 nhân viên tổng đài. Mỗi lần đặt món là phải gọi điện thoại đến tổng đài, rồi lại gọi đến cửa hàng. Họ sẽ mất thời gian. Trong khi đó, ứng dụng của chúng tôi tự động hết. Vì vậy, thời gian giao hàng trên thực tế chỉ khoảng 24 phút", ông Vũ Hoàng Tâm - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc dự án Lala cho biết.
Tuy nhiên, ông Tâm nói Lala vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Một là, tên tuổi của Delivery Now quá lớn và ăn sâu vào tâm trí người dùng. Hai là "siêu tân binh" đang có tiềm lực để đe dọa tất cả những người đi trước trong ngành này ở Việt Nam là GrabFood. "Lượng tài xế sẵn có của Grab thì quá đông rồi", ông Tâm thừa nhận.
GrabFood vận hành thử nghiệm ở TP HCM từ giữa tháng 5. Dịch vụ này không chỉ có ở Việt Nam mà còn tung hoành khắp Đông Nam Á. Số liệu mới nhất cho biết, GrabFood đã mở rộng từ 2 quốc gia lên 6 quốc gia chỉ trong quý II/2018, với tổng doanh thu tăng gấp 9 lần trong 12 tháng qua.
"Chúng tôi hướng đến một ứng dụng cung cấp các dịch vụ toàn diện cho nhu cầu đời sống hàng ngày. Trong đó, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm giao thức ăn tại TP HCM và hướng đến các dịch vụ tài chính siêu nhỏ", ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam chia sẻ mục tiêu với VnExpress.
Tuy nhiên, GrabFood cũng có những điểm yếu nhất định. Hiện khá nhiều món ăn trong danh mục của dịch vụ không hợp tác trực tiếp với đơn vị chế biến. Tài xế chỉ đơn giản là người đến quán ăn để mua hộ theo yêu cầu người dùng. Do đó, không phải tài xế nào cũng hào hứng với việc mua hộ đồ ăn vì họ phải chi tiền trước và hoàn toàn có rủi ro về việc người dùng không nhận món.
Euromonitor cho rằng, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đặt món trực tuyến là 11% mỗi năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ở quy mô toàn cầu tương đối cao hơn. Research and Markets dự báo thị trường giao thức ăn và thực phẩm mang đi toàn cầu tăng trưởng 15,25% giai đoạn 2016-2021. Technavio dự báo thị trường giao thực phẩm trực tuyến theo yêu cầu sẽ tăng đến 32% trong giai đoạn 2017-2021.
Dù mức độ tăng trưởng ở Việt Nam không quá cao nhưng với nhiều diễn biến "nóng sốt", thị trường đặt món trực tuyến được dự báo sẽ là địa hạt của cuộc chiến mới.
"Nếu như cách đây tầm 4 năm, cuộc chiến khốc liệt của dịch vụ gọi xe bắt đầu nổi lên thì nay là thời điểm đánh dấu cuộc chiến mới trong lĩnh vực gọi món ăn", một đơn vị trong ngành này bình luận.
Theo Viễn Thông (VnExpress.net)