Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) và Công ty Global Consultant Network (Hàn Quốc) vừa ký thỏa thuận thành lập liên doanh để đầu tư xây dựng dự án "Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf" tiêu chuẩn 5 sao tại Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD. Dự án dự kiến được triển khai tại Sóc Sơn, với tổng diện tích 1.200 ha và khi hoàn thiện sẽ là một trong những trường đua ngựa hiện đại đẳng cấp thế giới.
|
Nhiều dự án xây dựng trường đua được hồi sinh hoặc xin cấp phép mới trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa |
Đây cũng không phải là dự án trường đua đầu tiên dự kiến được triển khai trong năm nay. Trước đó, trong đầu tháng 8, ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) cũng cho biết dự kiến xây dựng trường đua với tổng chi phí khoảng 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng). Dự án này được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 60-70 ha, sẽ bao gồm các làng đua ngựa trên đất nền, trên cỏ; đua chó, đua môtô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1,5km theo tiêu chuẩn quốc tế. Riêng khu vực khán đài dành cho khán giả được xây dựng theo hình thức module có thể phục vụ 50.000 người....
Gần đây, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trường đua ngựa Phú Yên cho Công ty Golden Turf Club Pty Ltd. Dự án này có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, được triển khai trên diện tích hơn 134 ha tại xã An Phú (TP Tuy Hòa) và xã An Chấn (huyện Tuy An), dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng một sân vận động đạt chuẩn cao cấp, có khán đài, đường đua ngựa, đua chó ở bên trong và khu du lịch cao cấp phục vụ cho trường đua.
Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Hà Tôn Vinh, chuyên gia cố vấn cao cấp cho nhiều dự án đầu tư casino, giải trí cho rằng, có thể coi đây là một ngành nghề kinh doanh mới mẻ tại thị trường Việt Nam.Do đó, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng có thể nắm lấy cơ hội kinh doanh này và sớm tìm được chỗ đứng trong bối cảnh một số khung pháp lý dự kiến sớm được hoàn thiện trong thời gian tới. Theo GS Vinh, bất kể ngành nghề kinh doanh nào không trái thuần phong mỹ tục và pháp luật thì nên khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Ông Vinh cũng cho rằng, do là ngành mới nên đa số các doanh nghiệp Việt hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để triển khai dự án. Theo chuyên gia này, nếu thuận lợi thì chỉ khoảng sau 3 năm mở cửa, ngành công nghiệp giải trí này có thể được định hình rõ rệt hơn. Tuy nhiên ông cũng nhận định, vì đây là ngành kinh doanh giải trí mới của Việt Nam nên trước mắt sẽ có rất nhiều thách thức cũng như chưa biết tương lai sẽ đi về đâu.
"Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý và phát triển ngành này. Đây là một lĩnh vực nhạy cảm nên cơ quan quản lý cũng rất thận trọng nên hiện nay văn bản kể cả ban hành được tôi nghĩ cũng mới mang tính định hướng. Để thực sự phát triển được thì còn rất nhiều việc phải làm rõ ràng hơn kèm theo những hướng dẫn cụ thể. Ngược lại nếu không làm được như vậy thì ngành này trong tương lai dễ đi vào vết xe đổ của ngành công nghiệp ôtô, không đi về đâu cả", ông Vinh nhận định.
Thực tế, trước những dự án nói trên, từ nhiều năm nay, một số dự án trường đua ngựa với giá trị đầu tư hàng trăm triệu USD cũng rục rịch xin phép khi Bộ Tài chính có ý thí điểm cho đặt cá cược với ba loại hình gồm đua ngựa, đua chó và bóng đá...
Cụ thể, tại Bình Phước, Tập đoàn đầu tư Australia tại Việt Nam đã có được sự đồng thuận của UBND tỉnh Bình Phước trong việc mở một trường đua ngựa tại đây. Dự án này được quy hoạch với tổng diện tích 100ha, bao gồm khu trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm chăm sóc y tế và sức khỏe cho người cao tuổi, các cơ sở thể thao...
Tại Lâm Đồng, Công ty Đua ngựa Thiên Mã - Madagui từ nhiều năm trước cũng xin cấp phép một trường đua ngựa và câu lạc bộ mã cầu có quy mô gần 64ha tại xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD). Tuy nhiên, đến nay, các dự án này vẫn chưa được triển khai hoặc xây dựng dở dang nên chưa thể đưa vào hoạt động.
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)