Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu: Ai thắng, ai thua?

06/04/2022 06:45:00

Châu Âu và Nga đều sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu Moscow đóng van khí đốt tới các quốc gia “không thân thiện” từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Trong thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh, Nga cũng chưa bao giờ dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu, nhưng việc Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh buộc khách hàng nước ngoài thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp thay vì đồng euro từ 1/4 khiến các nước châu Âu lo ngại Nga sẽ cắt nguồn cung nếu không tuân thủ yêu cầu của Moscow.

Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu: Ai thắng, ai thua?
Cơ sở lưu trữ khí đốt Wingas gần thị trấn Rehden của Đức. Ảnh: Reuters

Hiện tại dòng khí đốt Nga vẫn chảy sang châu Âu dù các nước châu Âu bác bỏ tối hậu thư của Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận, Nga chưa dừng cung cấp khí đốt ngay lập tức, do các khoản thanh toán cho lượng khí đốt được cung cấp từ 1/4 phải đến cuối tháng này hoặc đầu tháng 5 mới tới hạn.

Dù mối đe dọa thiếu nguồn cung xảy ra sau khi nhu cầu đã qua mức đỉnh điểm vào mùa đông, châu Âu vẫn sẽ chịu thiệt hại lớn khi các doanh nghiệp và hộ gia đình đang phải gồng mình gánh chịu giá năng lượng cao kỷ lục. Trong khi đó, việc dừng bán khí đốt cũng khiến Nga mất nguồn doanh thu chính.

“Khách hàng không sẵn lòng thực hiện yêu cầu của Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cắt nguồn cung. Cả khách hàng lẫn Gazprom đều sẽ phải chịu thiệt hại”, ông Dmitry Pelovoy, nhà phân tích tại Công ty môi giới Locko-Invest có trụ sở tại Moscow cho biết.

Hậu quả đối với châu Âu nếu Nga đóng van khí đốt

Nga xuất khẩu khoảng 155 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu trong năm 2021. Nếu không có nguồn khí đốt từ Nga, châu Âu sẽ phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay với giá cao hơn tới 500% so với năm 2021.

Nền kinh tế châu Âu sẽ chật vật nếu không có nguồn khí đốt của Nga, dù tác động cụ thể sẽ tùy thuộc vào mức độ sử dụng của mỗi nước.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu “phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga”, bà Monika Schnitzer, giáo sư kinh tế học tại Đại học Munich, đồng thời là thành viên hội đồng chuyên gia kinh tế do chính phủ Đức chỉ định, nói.

“Sự gián đoạn nguồn cung có thể đem lại rủi ro, khiến nền kinh tế Đức trượt vào suy thoái với tỷ lệ lạm phát cao hơn đáng kể”, bà Schnitzer nói. Tỷ lệ lạm phát hiện đã ở mức cao, khiến giá cả các mặt hàng từ rau quả tới các nguyên liệu thô đều trở nên đắt đó.

Cuộc khủng hoảng khí đốt đã khiến các nước châu Âu phải tìm nguồn cung từ các nơi khác, nhưng vẫn không đủ để bù lại nguồn khí đốt Nga bị gián đoạn bất ngờ.

Tổ chức nghiên cứu Bruegel ước tính châu Âu sẽ thiếu 10-15% lượng khí đốt so với nhu cầu để vượt qua mùa sưởi ấm vào mùa đông tới, điều đó có nghĩa là cần phải thực hiện một số biện pháp đặc biệt để giảm nhu cầu sử dụng khí đốt.

Các nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng họ không thể chống đỡ được những hậu quả của việc “tẩy chay” khí đốt Nga ngay lập tức. Thay vào đó, họ có kế hoạch giảm sử dụng khí đốt Nga càng nhanh càng tốt. Các nước châu Âu đã đặt hàng thêm khí đốt hóa lỏng (LNG), được vận chuyển bằng tàu thủy, tìm thêm nguồn khí đốt từ Na Uy và Azerbaijan, đẩy nhanh kế hoạch triển khai năng lượng mặt trời và năng lượng gió, thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm.

Ở Đức, giới chức đã phải ban bố giai đoạn đầu trong 3 giai đoạn của kế hoạch khẩn cấp về năng lượng. Trong trường hợp phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn diện, các cơ quan quản lý của chính phủ sẽ phải quyết định công ty nào ngừng sử dụng khí đốt để dành nguồn cung cấp cho các gia đình và bệnh viện.

Châu Âu sẽ phải cạnh tranh để có nguồn khí đốt thay thế

Các nước châu Âu sẽ phải cạnh tranh với châu Á để giành được nguồn khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar hoặc Mỹ, thậm chí cạnh tranh với nhau để có nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Na Uy hay Algeria.

Các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ trở thành những người thắng lớn trong cuộc khủng hoảng nguồn cung của châu Âu. Trong khi Na Uy cũng được hưởng lợi không nhỏ.

Cuối tháng 3, Mỹ cho biết nước này sẽ tìm cách cung cấp 15 tỷ mét khối LNG sang châu Âu trong năm nay nhưng Washington không thể thay thế hoàn toàn khối lượng mà Nga bán sang châu Âu thông qua các hệ thống đường ống.

Bên cạnh việc cố gắng tìm nguồn cung thay thế trên thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã căng thẳng, một số nước châu Âu nói rằng họ có thể sẽ phải sử dụng nhiều than đá hơn, gia hạn vòng đời của các nhà máy điện hạt nhân và tăng sản lượng năng lượng tái sinh.

“Sự đứt gãy nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn là một rủi ro lớn với nhiều hệ lụy. Châu Âu có một số lựa chọn nguồn cung thay thế và với nhu cầu thấp vào những tháng mùa hè sắp tới, họ không chịu rủi ro cạn kiệt nguồn cung trong năm nay”, ông Norbert Rücker tại ngân hàng tư nhân Julius Baer cho biết. Tuy nhiên, rủi ro sẽ gia tăng trong những tháng mùa đông, khi nhu cầu tăng cao.

Khí đốt trong kho chứa ở châu Âu có thể đủ cho mùa xuân và mùa hè mà không cần cắt giảm nhu cầu, nhưng châu Âu sẽ có nguy cơ bước vào mùa đông tới với chỉ khoảng 10% lượng khí trong kho vào cuối tháng 10 nếu không có một số biện pháp tiết kiệm năng lượng, bà Kateryna Filippenko, nhà phân tích tại Wood Mackenzie nói.

Để có thêm nguồn cung LNG ở bất cứ nơi nào khác, giá khí đốt bán buôn của châu Âu sẽ cần phải duy trì ở mức cao hơn so với giá LNG tiêu chuẩn ở châu Á. Giá khí đốt tăng cao đã tác động đến người tiêu dùng và các chính phủ đã phải chi hàng tỷ euro cho các biện pháp hỗ trợ.

“Chúng ta phải nhận thức được rằng các công ty đã ký hợp đồng dài hạn với Gazprom để mua khí đốt ở mức giá tương đối thấp hơn so với những gì chúng ta phải trả trên thị trường LNG. Vì thế chắc chắn sẽ có tác động đối với giá năng lượng của chúng ta”, Cao ủy EU về năng lượng Kadri Simson phát biểu trước các nghị sỹ châu Âu hồi tháng 3.

Nga “tự đá vào chân mình” nếu đóng van khí đốt

Nếu ngắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu, Nga cũng đối mặt với nguy cơ mất nguồn doanh thu quan trọng. Dữ liệu mới nhất từ Gazprom cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ việc bán khi đốt sang châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc là 2.500 tỷ rúp (31 tỷ USD).

“Đối với Nga quyết định hạn chế nguồn cung cũng giống như tự đá vào chân mình”, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu SEB cho biết.

Nếu cơ chế thanh toán mới được Nga thiết kế nhằm củng cố giá trị đồng rúp, thì điều đó sẽ không duy trì được lâu. Từ trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, ngân hàng trung ương Nga đã yêu cầu chuyển 80% doanh thu từ khí đốt sang đồng rube. Theo quy định mới, toàn bộ doanh thu phải được chuyển sang đồng tiền của Nga.

“Động thái này sẽ cắt đứt Nga khỏi một nguồn ngoại hối quan trọng ở thời điểm các lệnh trừng phạt đã hạn chế hàng quyền tiếp cận của Ngân hàng Trung ương Nga đối với dự trữ ngoại hối của họ”, các nhà phân tích tại Fitch Solution nhận định.

Một câu hỏi khác là Nga có thể làm gì với khối lượng khí đốt mà nước này vốn dự định cung cấp cho châu Âu. Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko tuần trước nói rằng Nga có thể chuyển hướng nguồn cung sang thị trường châu Á hoặc các nước khác.

Tuy nhiên, chưa có đường ống nào cho phép Nga chuyển khí đốt vốn để cung cấp cho châu Âu sang châu Á. Do đó, Nga có thể buộc phải bơm khí đốt vào các kho chứa trong nước, có khả năng chứa khoảng 72 tỷ mét khối. Mạng lưới lưu trữ thuộc sở hữu của Gazprom ở Châu Âu có thể chứa thêm 9 tỷ mét khối nữa.

Theo các nhà phân tích, trong ngắn hạn, nếu lượng khí đốt Nga dự định cung cấp cho châu Âu được chuyển đến kho lưu trữ của Nga hiện tại, các cơ sở này sẽ đầy trong 3-4 tháng và một số hoạt động sản xuất khí đốt sau đó có thể phải tạm ngừng, gây tổn hại đến tăng trưởng dài hạn.

Theo Hoàng Phạm (Vov.vn)

Nổi bật