|
Giá dầu giảm nhưng nhiều doanh nghiệp năng lượng Nga vẫn hoạt động hiệu quả - Ảnh: Reuters
|
Theo Bloomberg, tháng trước, đồn đoán về chuyện Nga sẽ bắt tay với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu có mức tăng 3 ngày mạnh nhất trong vòng 25 năm.
Dù thị trường phản ứng như trên nhưng hiện có khá nhiều lý do khiến đồn đoán này khó thành hiện thực. “Nga và OPEC đã nói về chuyện hợp tác để cắt giảm sản lượng dầu thô nhiều lần trong quá khứ, nhưng kết quả luôn đem lại thất vọng. Nga cho rằng khi giá dầu đi xuống, các nước OPEC ở thế yếu hơn và nhiều khả năng phải là những nước đầu tiên cắt giảm sản lượng. Và OPEC đã luôn làm như thế”, Nordine Ait-Laoussine, Chủ tịch của hãng tư vấn Nalcosa và là cựu Bộ trưởng Năng lượng Algeria nói.
Nga hiện tranh đua danh hiệu nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới với Ả Rập Xê Út và Mỹ. Giới chức Điện Kremlin nhanh chóng phủ nhận khả năng hợp tác giữa Nga và OPEC.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết việc cắt giảm sản lượng dầu một cách giả tạo sẽ không mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn. Ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của công ty dầu khí lớn nhất nước Nga Rosneft, khẳng định Nga sẽ không tham gia vào OPEC, cũng không cắt giảm sản lượng ngay cả khi đó là điều chính họ mong muốn.
Nga có rất nhiều lý do để kỳ vọng giá dầu tăng trở lại, đó là điều chắc chắn. Năng lượng chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu và nền kinh tế nước này đang bước vào giai đoạn suy thoái do giá dầu thô sụt giảm. Hiện tại, số tiền từ dầu khí đang góp phần thấp nhất vào nguồn thu ngân sách Nga kể từ năm 2009, theo số liệu từ kho bạc nước này.
Dù thế, Bloomberg nhận định Nga vẫn có khả năng chịu đựng giá dầu thấp tốt hơn các thành viên OPEC. Thâm hụt ngân sách nước này được dự báo vào khoảng 3% tổng sản lượng kinh tế trong năm nay. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út, quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong OPEC, lại được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo thâm hụt ngân sách lên đến 20% GDP.
|
Nga và các nước OPEC chiếm khoảng một nửa nguồn cung dầu thô thế giới - Ảnh: Bloomberg |
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich hồi tuần trước nói rằng nước Nga có thể sống khỏe với giá dầu trên 60 USD/thùng. Một vài nước thuộc OPEC thì cần giá năng lượng vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng để cân đối ngân sách. Hiện tại, dầu Brent biển Bắc đang giao dịch với giá 47,75 USD/thùng.
Ngay cả trong trường hợp Nga có ý muốn gia nhập OPEC để giảm sản lượng dầu trên thế giới, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho hay họ cũng không có khả năng để một sớm một chiều thay đổi hạn ngạch sản xuất theo ý mình.
Nga không có các công ty quốc doanh kiểm soát sản xuất dầu thô của cả nước, dạng doanh nghiệp tương tự như Saudi Arabian Oil của Ả Rập Xê Út hay National Iranian Oil của Iran. Với vô số các hãng dầu khí lên sàn chứng khoán, chính quyền Nga không thể dễ dàng điều chỉnh hạn ngạch dầu thô như các nước OPEC.
Mặt khác, các hãng dầu mỏ Nga không được khuyến khích để liên minh với OPEC. Dựa trên số liệu lợi nhuận và dòng vốn, doanh nghiệp năng lượng Nga đang hoạt động hiệu quả hơn các hãng đối thủ của mình dù giá dầu có giảm. Có được điều này là vì giới doanh nghiệp Nga hưởng thuế xuất khẩu và chiết tách dầu thấp hơn.
Cuối cùng, Nga là đối thủ cạnh tranh trực tiếp về mặt thị phần với nhóm OPEC. Sự cạnh tranh này được nhìn thấy nhiều nhất ở châu Á, nơi tăng trưởng nguồn cung chính và là vùng mà Ả Rập Xê Út cố gắng khẳng định vị trí.
Joseph Mann, giảng viên khoa Trung Đông học tại Đại học Bar-Ilan (Israel) cho hay: “Nga có mối quan hệ căng thẳng với OPEC từ thời Liên Xô. Sự cạnh tranh về quyền kiểm soát thị trường châu Âu, châu Á và sự mâu thuẫn trong giá trị giữa các nước Hồi giáo thuộc OPEC với nhà nước cộng sản là nguyên nhân dẫn đến tình hình này”.
Ý tưởng về một liên minh giữa Nga - OPEC khởi nguồn từ cách đây rất lâu như là một cách để đối đầu với Mỹ. Sau cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ vào ngày 11.9.2001 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ý tưởng này lại tiếp tục được đưa ra. Tuy nhiên, tất cả những lần gợi mở đó đều không đem lại kết quả hợp tác nào.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)