Cùng mở công viên nước, Đầm Sen lãi gấp 16 lần Hồ Tây

11/05/2019 14:13:44

Năm 2018, doanh thu của Công viên nước Đầm Sen đạt 217 tỷ đồng, trong khi Công viên nước Hồ Tây cũng hơn 150 tỷ, nhưng lợi nhuận mà Hồ Tây thu về chỉ bằng 1/16 lần so với Đầm Sen.

Trong số các công viên nước đang hoạt động tại Việt Nam, Công viên nước Đầm Sen (TP.HCM) và Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) là hai công viên lâu đời bậc nhất.

Cả 2 công viên nước này đều bắt đầu hoạt động từ năm 1998 với số vốn ban đầu lần lượt là 44 tỷ đồng của Công viên nước Hồ Tây và 45 tỷ đồngcủa Công viên nước Đầm Sen.

Cùng mở công viên nước, Đầm Sen lãi gấp 16 lần Hồ Tây
Trong khi lợi nhuận của Công viên nước Đầm Sen tăng trưởng liên tục thì Công viên nước Hồ Tây lại đang gặp khó khăn. Ảnh: Lê Quân.

Sau hơn 2 thập niên hoạt động, trong khi Công viên nước Đầm Sen liên tục tăng trưởng thì hoạt động kinh doanh của Công viên Hồ Tây lại đang có dấu hiệu đi xuống. Thậm chí, đều ghi nhận hàng trăm tỷ doanh thu mỗi năm nhưng lợi nhuận của Công viên nước Hồ Tây thấp hơn Công viên nước Đầm Sen tới hàng chục lần.

Báo cáo kết quả kinh doanh của hai công viên này mới đây cũng cho thấy bức tranh đối lập dù cùng hoạt động trong một lĩnh vực.

Cụ thể, năm 2018, Công viên nước Đầm Sen ghi nhận gần 217 tỷ đồngdoanh thu, tăng 10% so với năm trước và vượt 8% kế hoạch, trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ việc bán vé và dịch vụ ăn uống.

Trong khi đó, tại Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây đón tổng cộng 518.810 lượt khách, qua đó đạt hơn 150 tỷ doanh thu, cũng tăng 26%. Tuy nhiên, doanh thu tăng năm vừa qua lại không đến từ hoạt động của công viên nước mà chủ yếu đến từ tour du lịch (mảng kinh doanh phát sinh ngoài công viên) khi đạt gần 57 tỷ đồng, tăng 85%. Còn lại, doanh thu các hoạt động tự doanh tại công viên nước mang về hơn 83 tỷ đồng, chỉ tăng 6%.

Như vậy, so với Đầm Sen, doanh thu năm vừa qua của Công viên nước Hồ Tây chỉ bằng gần 70%,.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế mà hai công viên nước này thu về năm vừa qua lại có sự chênh lệch rất lớn. Khi mà Đầm Sen thu về tới 96 tỷ đồng lợi nhuận ròng thì con số bên phía Hồ Tây chỉ bằng chưa tới 1/16, đạt 6 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận ròng/tổng doanh thu của 2 công viên cũng có cách biệt rất lớn, khi mà hệ số bên phía Đầm Sen lên tới 44% thì phía Hồ Tây chỉ là hơn 4%.

Thực tế, trong 5 năm gần nhất, dù doanh thu tương đối khả quan và đều đạt trên 100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận Công viên nước Hồ Tây thu về đều đạt chưa tới 10 tỷ.

Cùng mở công viên nước, Đầm Sen lãi gấp 16 lần Hồ Tây - 1

Ban lãnh đạo Công viên nước Hồ Tây từng thừa nhận giai đoạn năm 2012-2013 hoạt động kinh doanh của công viên tương đối tích cực nhưng đà đi xuống đã bắt đầu từ năm 2014 khi nhiều khu vui chơi giải trí của các đối thủ khác khai trương tại khu vực Hà Nội và Quảng Ninh, đã làm giảm lượng khách đến công viên.

Trong khi đó, do nằm trên khu đất được xem là đẹp nhất trong các công viên ở Hà Nội nên chi phí thuê đất hàng năm của Hồ Tây cũng cao hơn nhiều so với các đối thủ khiến hiệu suất kinh doanh thấp.

Năm 2019, trong khi Đầm Sen đặt mục tiêu đạt 219 tỷ đồng doanh thu, tương đương 600 triệu mỗi ngày thì phía ban lãnh đạo Công viên nước Hồ Tây lại kế hoạch doanh thu giảm 4%, chỉ đạt 144 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày ban lãnh đạo Công viên nước Hồ Tây chỉ kỳ vọng thu về 393 triệu đồng.

Theo lý giải từ ban lãnh đạo công viên, việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm nay được cân nhắc theo hướng thận trọng. Nguyên nhân do công viên sẽ phải đối mặt với những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh.

Trong đó, yếu tố thời tiết không thể lường trước được như quá nắng nóng, quá rét hoặc mưa bão quá nhiều… sẽ làm giảm lượng khách đến công viên.

Ngoài ra, ban lãnh đạo công viên dự báo trong năm nay, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp sẽ xuất hiện cùng các khu vui chơi giải trí với mức đầu tư trung bình mọc lên như nấm tại Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận cũng sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công viên.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)