Cục Thuế TP HCM tìm 13.500 người bán hàng trên Facebook như thế nào

07/06/2017 07:05:00

Từ danh sách được lọc qua của Tổng cục thuế, các chi cục quận huyện sẽ xác minh thông tin và mời người liên quan đến làm việc.

Từ danh sách được lọc qua của Tổng cục thuế, các chi cục quận huyện sẽ xác minh thông tin và mời người liên quan đến làm việc.

"Ngành thuế muốn thu thập được các thông tin này không phải dễ, có chăng chỉ có thể thông qua dữ liệu cung cấp từ Facebook, nhưng điều này là khó xảy ra", chị nói. Đó là chưa kể đến việc xác định doanh thu từ người bán hàng. Theo chị Nhung, dù doanh số lớn, nhưng phần lớn chị giao dịch với khách bằng tiền mặt, còn vận chuyển hàng là do người thân hoặc nhân viên chị thuê nên ngành thuế khó truy được doanh thu.

"Tuy doanh số bán hàng của tôi tương đối lớn, nhưng có thể ngành thuế không tìm ra được địa chỉ kinh doanh nên đến nay tôi chưa nhận được thư mời làm việc", chị nói. 

cuc-thue-tp-hcm-tim-13500-nguoi-ban-hang-tren-facebook-nhu-the-nao

Cục thuế TP HCM tiến hành làm việc với người bán hàng qua Facebook. 

Trong khi đó, chị Thanh Mai - bán mỹ phẩm trên Facebook 3 năm nay cho biết đã nhận được giấy mời của Chi cục thuế quận 1 lên làm việc. Tuy nhiên, do chị vừa mở công ty, vừa bán online và đã có giấy phép kinh doanh, có kê khai thuế đầy đủ nên chị cho rằng không cần thiết phải lên làm việc hay kê khai tiếp.

"Tôi nghĩ sẽ công bằng hơn nếu cơ quan thuế chỉ nhắm đến những người không có giấy phép kinh doanh mà có doanh thu lớn qua Facebook", chị nói.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, danh sách gần 13.500 chủ tài khoản Facebook được mời lên làm việc đợt đầu tiên này chủ yếu dựa vào sự sàng lọc từ hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục thuế với các tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh. 

"Từ danh sách này, chúng tôi rà soát số điện thoại, địa chỉ đăng ký của chủ tài khoản để tiến hành gửi thư mời họ đến làm việc", bà Hương nói và cho biết, bước đầu, ngành thuế chỉ muốn tiếp xúc và tìm hiểu xem việc kinh doanh của họ có lâu dài không? Đã đăng ký thuế hay chưa? Nếu việc kinh doanh này được duy trì và chưa kê khai thuế thì sẽ vận động đăng ký và kê khai đầy đủ. Công việc này sẽ được giao cho các chi cục thuế quận, huyện thực hiện. 

Bà Hương cho biết thêm, sau đó cơ quan thuế sẽ thực hiện các bước xác định doanh thu để tiến hành tính thuế. Chỉ những trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm mới phải nộp thuế (với những trường hợp vừa mở cửa hàng hoặc công ty, vừa bán online thì chỉ cần kê khai ở cửa hàng hoặc công ty). 

Vị Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM thừa nhận, khó khăn là ở Việt Nam hiện nay thanh toán bằng tiền mặt còn quá lớn nên việc xác định doanh thu của hoạt động bán hàng qua mạng như Facebook khá phức tạp. Vì vậy, cần có biện pháp khuyến khích người dân không thanh toán tiền mặt ở loại hình này, đồng thời rất mong sự trung thực của người bán hàng trong kê khai thì mới dễ quản lý. 

Bên cạnh đó, Cục thuế cũng sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh doanh thu như tiến hành xác minh từ nguồn hàng hoá họ đã lấy bán, doanh số giao hàng thực hiện qua bưu điện hoặc các công ty giao nhận, thanh toán qua ngân hàng... Đây sẽ là các đầu mối cơ quan thuế dựa vào để truy ra doanh thu của người bán hàng trên Facebook.

Lãnh đạo Chi cục thuế quận Bình Thạnh cho biết, đã nhận được danh sách từ Cục thuế chuyển xuống. Tuy nhiên, công tác tiếp xúc các chủ tài khoản kinh doanh trên Facebook mấy ngày qua gặp nhiều khó khăn khi phần lớn người được mời không đến làm việc. "Nếu mời nhiều lần mà những cá nhân kinh doanh qua Facebook không đến làm việc, chúng tôi sẽ phối hợp với phường xuống tận địa chỉ kinh doanh để kiểm tra", ông nói.

Lãnh đạo Chi cục thuế quận 3 cũng thông tin đã nhận được danh sách từ Cục thuế chuyển xuống. Tuy nhiên, cơ quan này đang rà soát lại các địa chỉ kinh doanh trên địa bàn có tên trong danh sách của Cục thuế Thành phố trước khi tổ chức tiếp xúc, làm việc với các cá nhân và doanh nghiệp có kinh doanh qua Facebook để tuyên truyền, hướng dẫn về nghĩa vụ thuế.

"Thực ra, danh sách chúng tôi nhận được còn khá chung chung nên muốn chờ hướng dẫn cụ thể từ Cục thuế để công tác triển khai thực hiện hiệu quả hơn", ông nói và cho biết, các địa chỉ kinh doanh của chủ tài khoản Facebook hiện nay thường là ảo. Họ có thể đăng ký địa chỉ kinh doanh ở quận này nhưng giao dịch tại nơi khác nên rất khó cho cơ quan thuế tiếp xúc, làm việc.

Mặt khác, ông cho rằng có nhiều tài khoản Facebook chỉ kinh doanh nghiệp dư, không thường xuyên... nên ngành thuế cũng cần phải sàng lọc lại một lần nữa trước khi gửi thư mời họ lên làm việc cụ thể. 

Lãnh đạo Chi cục thuế quận 1 chia sẻ, theo danh sách được giao xuống từ Cục thuế thành phố, cơ quan này đã gửi giấy mời đến một số doanh nghiệp có kinh doanh qua mạng trên địa bàn nhưng không nhận được phản hồi. Khi kiểm tra, cơ quan này phát hiện các địa chỉ kinh doanh không đúng hoặc đã ngưng giao dịch.

Theo các chuyên gia, muốn thu thuế, phải xác định được doanh thu, chi phí và bản chất của loại hình kinh doanh. Kinh doanh qua mạng có đặc điểm là dễ dàng “xóa dấu tích”. Do đó, dù là thu đối tượng nào thì ngành thuế (hoặc các bên phối hợp) phải có lực lượng nhân sự, chuyên gia rất lớn, có kiến thức về mạng xã hội, hiểu được các thủ thuật, chiêu thức trên mạng xã hội để theo dõi, giám sát và thu thập thông tin.

"Khi công tác tổ chức, công nghệ máy móc tốt hơn để xác định chính xác doanh thu của những đối tượng này, đồng thời giao dịch tiền mặt không còn phổ biến thì lúc đó mới mong có thể tiến hành thu thuế đối với họ hiệu quả được", ông nhận xét.

Lãnh đạo Cục thuế TP HCM thừa nhận, vướng mắc nhất hiện nay là việc xác định doanh thu bán hàng qua mạng. "Chúng tôi cần có sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều ngành liên quan như ngân hàng (nếu thanh toán thẻ), bưu điện (giao nhận, ký gửi hàng), hay các dữ liệu liên quan đến chủ tài khoản (do Facebook, Zalo... cung cấp) thì mới có thể thực hiện thu thuế hiệu quả", bà nói và cho biết hiện nay ngành thuế chủ yếu kêu gọi sự khai nhận trung thực từ các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng là chính. 

Theo Lệ Chi (VnExpress.net)

Nổi bật