Cục Hàng không yêu cầu Bamboo Airways báo cáo khoản nợ hơn 205 tỷ đồng với ACV

23/04/2020 20:55:23

Theo tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tính đến hết ngày 18/3, Bamboo Airways đang nợ ACV hơn 205 tỷ đồng.

Ngày 20/4, Cục hàng không Việt Nam đã có văn bản số 1538 về tình hình Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) về "tình hình Bamboo Airways nợ quá hạn kéo dài tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không".

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 3096/BGTVT-VT về việc nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đối với việc vi phạm hợp đồng của Bamboo Airways.

Cục Hàng không Việt Nam cũng nhận được báo cáo về việc nợ quá hạn kéo dài của Bamboo Airways từ các công ty cung cấp dịch vụ hàng không như tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), Công ty CP phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypee).

Căn cứ vào các nội dung trên, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bamboo Airways khẩn trương báo cáo tình hình công nợ và phương án giải quyết các khoản nợ trên, báo cáo tình hình tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh và các kiến nghị, đề xuất nếu có.

Theo nội dung văn bản ACV đã gửi Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không, Bamboo Airways thường xuyên chậm thanh toán trung bình khoảng 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng đã ký kết.

Tính đến hết ngày 18/3, Bamboo Airways đang nợ ACV hơn 205 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số nợ quá hạn là hơn 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV. Số tiền còn lại là 71,3 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways.

Bên cạnh các khoản trên, Bamboo Airways còn 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.

Trước tình hình trên, ACV đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không yêu cầu Bamboo Airways thanh toán số công nợ trên với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hàng không và là đơn vị cấp phép vận hành hàng không cho Bamboo Airways.

Sau khi ACV có văn bản đốc thúc trả nợ hơn 205 tỷ đồng, Bamboo Airways đã lên tiếng cho biết đang thảo luận cùng đối tác để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.

Theo đó, hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hãng đi vào hoạt động từ tháng 1/2019, hiện đã và đang thiết lập quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi đối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ hàng không trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, cung cấp dịch vụ di chuyển thuận lợi, tiện nghi cho đông đảo hành khách với chất lượng cao và giá cả hấp dẫn.

Trong đó, ACV là một trong những đối tác đặc biệt quan trọng của Bamboo Airways. Đây là công ty có hơn 95% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Nhà nước, độc quyền cung cấp dịch vụ khắp tại khu vực sân bay và nhà ga tại 21 sân bay, bao gồm nhiều sân bay trọng điểm trong mạng đường bay của Bamboo Airways như Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP HCM), Phù Cát (Bình Định), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…

Trong hơn một năm hoạt động và phát triển, Bamboo Airways đã nhận được sự hỗ trợ và đồng hành trên nhiều khía cạnh từ đối tác ACV. Ở chiều ngược lại, hoạt động hàng không Việt Nam thêm nhộn nhịp và tăng trưởng với sự góp sức của Bamboo Airways cũng góp phần gia tăng doanh thu cho các đơn vị cung cấp dịch vụ cảng, trong đó có ACV.

Liên quan đến tiến trình thanh toán chi phí dịch vụ giữa ACV, Bamboo Airways cho biết hoạt động này thời gian qua phát sinh một số khúc mắc giữa hai bên. Trong đó, đáng nói là chi phí một số hạng mục dịch vụ ACV cung cấp cho Bamboo Airways đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung.

Hiện trạng này dẫn đến phát sinh nhiều đợt kiểm tra, rà soát từ cả hai phía trong thời gian vừa qua, kéo theo các cuộc thảo luận song phương kéo dài, dẫn đến tiến độ chi trả bị trì hoãn, trong khi chờ đợi sự thống nhất cuối cùng trong điều chỉnh thỏa thuận hợp đồng từ hai đơn vị.

Bên cạnh đó, biến cố dịch bệnh Covid-19 trong những tháng vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường hàng không, khiến hoạt động của nhiều hãng hàng không bị đình trệ, hàng loạt chuyến bay và đường bay phải dừng khai thác, doanh thu giảm sút đột ngột, trong đó có Bamboo Airways. Thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, Bamboo Airways đang tích cực điều chỉnh phương án kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới, đồng thời đàm phán với ACV để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật