Tuy vậy, việc áp dụng biển hiệu "đồng phục" không những bị chê đơn điệu mà còn khiến nhiều cửa hàng, doanh nghiệp lo ngại về khả năng xáo trộn kinh doanh. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định cứng loại biển chữ trắng, cùng phông, trên 2 nền xanh hoặc đỏ đã phá vỡ toàn bộ những nhận diện thương hiệu của họ.
Biển "đồng phục" với hai màu đỏ hoặc xanh được chính quyền địa phương lắp miễn phí cho các hộ dân phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Bá Đô. |
"Từ khi thay biển theo yêu cầu của chính quyền địa phương, nhiều khách hàng đến đây còn không nhận ra đây là thương hiệu của chúng tôi nữa, có người còn sợ vào nhầm cửa hàng giả mạo", quản lý cửa hàng của một nhãn hiệu thời trang có tiếng cho biết. Đại diện này còn tiết lộ lãnh đạo công ty đã vài lần muốn xin trả lại biển mới để dùng nhận diện cũ, thậm chí tính cả chuyện trả mặt bằng nếu tình trạng kéo dài.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trí Phúc - đại diện phụ trách hình ảnh của hệ thống Công ty May Nhà Bè khu vực phía Bắc nói: "Quy hoạch cho đồng đều là hợp lý nhưng việc quy định cứng 2 màu sắc xanh và đỏ thế làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì không sao chứ chúng tôi là thương hiệu nhận diện quốc tế, cần phải giữ nguyên logo, màu sắc, kiểu chữ...".
Tương tự, chủ một quán cà phê trên phố này cũng cho biết, anh đã mất khá nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư trang trí cho quán nhằm tạo nên sự khác biệt. Nhưng đến nay, biển hiệu quán cũng như mọi cửa hàng quần áo, bán nước mía hay bún đậu mắm tôm.
"Biển mới dù không mất tiền nhưng tôi không thích một chút nào vì vừa lãng phí khoản đầu tư làm biển trước đây lại thấy không hiệu quả. Ai cũng giống ai và khách hàng rất khó phân biệt. Từ ngày có biển này, số khách hàng ít hơn hẳn nên tôi chỉ muốn quay về cách cũ", chủ một cửa hàng quần áo phàn nàn.
Trả lời báo chí gần đây, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết không có chuyện quy định cứng màu sắc biển chỉ là xanh hoặc đỏ nhưng trao đổi với PV, đại diện một thương hiệu kinh doanh tại đây cho biết dù ngay khi được khảo sát, anh đã có ý kiến rất mạnh mẽ phản đối nhưng không thành công.
"Một số cán bộ trên quận lúc ấy đề nghị tôi cứ để họ thay biển mới để kịp đến ngày khai trương. Họ hứa sau đó sẽ chuyển lại sau nên tôi mới chấp nhận", người này cho biết.
Thực tế, trên phố này vẫn có nhiều trường hợp không phải "mặc đồng phục", chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp lớn và một điểm bán của hệ thống siêu thị mini được giữ nguyên logo, phông chữ. Tương tự, chủ một quán cà phê ở cuối phố Lê Trọng Tấn vẫn dùng biển hiệu cũ do anh kiên quyết không thay đổi.
Nhiều cửa hiệu trên phố vẫn đang trong quá trình thay biển. Ảnh: Bá Đô |
Trao đổi với VnExpress, ThS. Nguyễn Phan Anh - Giảng viên Đại học, Chuyên gia eMarketing cho rằng quy hoạch này của thành phố Hà Nội về mặt ý tưởng cũng có rất nhiều điểm tích cực bởi nó giúp bộ mặt đô thị đẹp hơn, không còn cảnh biển hiệu nhấp nhô thò ra thụt vào, mất mỹ quan. Tuy nhiên, ông cho rằng những quy định này còn cứng nhắc và chưa phù hợp với thực tế kinh doanh sôi động ngoài thị trường.
Theo ông, nếu có quy định thì cũng chỉ nên "đồng bộ" về mặt kích thước hoặc đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng về kỹ thuật để đảm bảo tính thẩm mỹ (ví dụ như kích thước, chất liệu...) của biển hiệu quảng cáo chứ cả về màu sắc là hoàn toàn bất hợp lý. "Màu sắc và nội dung, cách thức, bố cục thể hiện trên biển hiệu quảng cáo là do doanh nghiệp tự quyết định - tuân thủ theo bộ nhận diện thương hiệu của họ - nếu có, hoặc theo sở thích của chủ thuê cửa hàng kinh doanh, miễn là tuân thủ quy định về pháp luật quảng cáo hiện tại.
"Nếu quy định cứng nhắc như vậy có thể dẫn đến tình trạng những chủ thuê mặt bằng kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc các điểm bán lẻ của các thương hiệu lớn không thể tuân theo và họ sẽ không lựa chọn thuê mặt bằng tại tuyến phố này. Nếu vậy có thể gây ảnh hưởng kinh tế đến cả tuyến phố, thiệt thòi cho nhiều bên", ông Phan Anh nói.
Giám đốc Marketing của một ngân hàng cổ phần còn nói thẳng: "Nếu tuyến phố kiểu mẫu này được nhân rộng thì tôi nghĩ dân marketing, thiết kế nên chuyển việc khác. Ngoài ra, những đầu tư tiền tỷ của các doanh nghiệp để xây dựng nhận diện thương hiệu bấy lâu nay sẽ đổ ra sông ra bể".
"Mỗi một quyết định đột phá bao giờ cũng có sự đánh đổi. Nhưng quy định dù đột phá thì cũng cần linh hoạt và cho người dân nhiều sự lựa chọn và đúng với thực tế của nền kinh tế thị trường. Tất nhiên quy định này hoàn toàn có thể sửa đổi sao cho vừa đẹp mỹ quan đô thị đúng với tư duy của nền kinh tế thị trường và sự sáng tạo của ngành quảng cáo, bán lẻ", ThS. Phan Anh nói thêm.
Theo Thanh Thanh Lan (VnExpress.net)