Vừa đặt chân đến Tp.HCM sau chuyến bay sớm từ Hà Nội, một trong những công việc đầu tiên của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chính là lên trang Facebook cá nhân để viết một lời xin lỗi.
Ứng xử với truyền thông là kỹ năng mà mọi chính khách lớn nhỏ, hay người nổi tiếng như doanh nhân, nghệ sỹ, cầu thủ bóng đá... đều cần được trang bị, nhất là trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay - Ảnh minh họa. |
Từ câu chuyện này, bài viết nêu lên vấn đề hình ảnh của quan chức trước công chúng.
Điều thú vị là, thay vì phân bua hay trần tình, ông Hùng cho rằng bài viết này là “rất hay và đúng, nhân vật được hướng đến trong bài viết là cá nhân tôi”.
Và do đó, ông cảm thấy rằng, “đây là một bài học quan trọng cho bản thân mình, đặc biệt là trong ứng xử xã hội”.
“Tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả bài viết về quan điểm yêu cầu những người cán bộ, công chức phải có trách nhiệm thường xuyên tu dưỡng bản thân, rèn luyện kỹ năng sống, tránh gửi những thông điệp làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức và vị trí công việc mà mình được giao”, ông Hùng viết.
“Tôi cũng xin nhận khuyết điểm với cơ quan, lãnh đạo, đồng nghiệp về những ứng xử thiếu kiềm chế của mình”.
Trên các trang mạng xã hội, xuất hiện nhiều ý kiến bình luận xung quanh sự kiện này, nhưng đa phần đánh giá cao sự thẳng thắn nhận trách nhiệm của vị Phó chủ tịch.
Nhiều người cho rằng, trong tình huống tương tự, nhiều quan chức khác có thể có lựa chọn khác: hoặc phản ứng ở những mức độ khác nhau, hoặc im lặng.
Như VnEconomy từng đề cập trong bài viết “Góc nhìn: Chính khách và hành xử với truyền thông”, cho đến nay, vẫn còn nhiều tình huống ứng xử được xem là thiếu tế nhị hoặc thiếu khôn ngoan của giới quan chức trước truyền thông.
Chẳng hạn vào tháng 8/2014, cung cách ứng xử của một quan chức Hà Nội với một nhà báo trong một cuộc họp báo từng được đưa ra mổ xẻ: vì bất bình trước việc bị nhà báo “cắt lời”, vị này gần như đã đòi “đuổi” nhà báo ra khỏi phòng họp báo.
Tương tự, giới truyền thông cũng từng chứng kiến việc một lãnh đạo Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy - SBIC) hất micro của một phóng viên thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), với thái độ khá bất nhã.
Ứng xử với truyền thông là kỹ năng mà mọi chính khách lớn nhỏ, hay người nổi tiếng như doanh nhân, nghệ sỹ, cầu thủ bóng đá... đều cần được trang bị, nhất là trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay.
Cú “tai nạn truyền thông” của ông Khuất Việt Hùng đã góp thêm ví dụ cho mối quan hệ hết sức tế nhị này giữa giới quan chức và giới truyền thông.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, có thể thấy lời xin lỗi đúng lúc của ông Hùng là đáng ghi nhận, cho thấy một thái độ chịu trách nhiệm, nghiêm túc và đĩnh đạc.
Giữa bề bộn công việc, đôi phút mất bình tĩnh là có thể cảm thông. Tuy nhiên, như chính ông Hùng đã “hứa sửa chữa và khắc phục ngay”, cũng mong lắm một tinh thần cầu thị từ mọi chính khách trong những tình huống tương tự.
Sinh năm 1974, ông Khuất Việt Hùng vừa là thành viên trong một gia đình có truyền thống, vừa là một tiến sỹ được đào tạo bài bản về chuyên ngành giao thông. Thời gian gần đây, ông được biết đến như là một trong những cán bộ trẻ và nhiều triển vọng trong ngành giao thông vận tải.