Cú lừa đau: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ keo 502

06/02/2021 09:02:30

Cận Tết, thị trường cây cảnh trở nên sôi động. Đây cũng là dịp gian thương thường tung ra nhiều chiêu làm giả hoa, cây cảnh bán kiếm lời. Nhiều chậu cảnh nhìn rất lung linh nhưng thực chất chỉ là hàng ghép, "hàng dựng" để lừa khách hàng.

Táo bonsai nở ra hoa dâm bụt

Táo bonsai (còn gọi là táo lùn) được nhiều người ưa chuộng vì cây nhỏ nhắn, xinh xắn lại ra rất nhiều quả màu đỏ. Mỗi cây táo bonsai có giá từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.

Thế nhưng, nhiều người khá bất ngờ bởi sau khi mua về chơi Tết được không lâu, cây táo đỏ lại nở ra hoa dâm bụt. Thực chất, người bán đã ghép táo đỏ lên cây dâm bụt, để qua mặt khách hàng. Cũng có người mua cây táo bonsai nhưng nhận về cây dành dành, cây mít non.

Cú lừa đau: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ keo 502
Táo bonsai nở ra hoa dâm bụt (Ảnh: GiadinhNet)

Điểm chung của những loại cây táo bonsai này là chúng được cắt ghép, lai tạo theo phương pháp "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Những cây táo lai này sau một thời gian ngắn sẽ rụng hết, lộ ra chiêu thức trồng siêu cao cấp bằng keo 502 hoặc được treo bằng dây thép hay đinh sắt. Nhiều khách hàng chỉ khi mua về nhà mới phát hiện đó là những quả táo được gắn vào cây dâm bụt hoặc cây mít, cây dành dành.

Hoa hải đường chi chít nụ nhờ keo 502

Tại Việt Nam, hải đường là loại hoa được ưa chuộng hàng đầu trong ngày Tết hoặc vào các dịp lễ lớn. Loài hoa này nổi bật với cánh hoa màu hồng thắm và nhụy vàng tươi tắn. Hải đường được nhiều người mua về với mong muốn có được sự sung túc và đủ đầy cho năm mới. Song đây cũng là một loại cây bị làm giả nhiều nhất.

Cú lừa đau: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ keo 502 - 1
Hoa hải đường chi chít nụ nhờ keo 502 (Ảnh: Dân Việt)

Rất nhiều người mua phải những cây hải đường tại hàng rong có nhiều hoa và nụ, nhưng về trồng mãi không thấy nở. Sự thật là những cây hải đường này có các nụ hoa được gắn vào cành bằng keo siêu dính.

Bên cạnh chiêu thức gắn nụ vào cành, nhiều người buôn cây còn lợi dụng sự giống nhau giữa cây hải đường và cây dành dành để phù phép dành dành thành hải đường, gắn thêm nụ và hoa để bán được giá. Hai loại cây này có cành, lá khá giống nhau, chỉ khác biệt khi chúng trổ hoa. Hoa của hải đường màu đỏ còn dành dành ra hoa màu trắng. Cây dành dành chỉ là cây dại mọc ven đường và không có giá trị cao bằng cây hải đường.

Sung bonsai gắn quả đầy gốc bằng keo

Cây sung là biểu tượng cho sự sung túc, may mắn, tài lộc nên được nhiều người ưa thích trưng vào dịp Tết. Sung bonsai được chăm sóc, tỉa tót cành lá và dáng đẹp nên được bán với giá hàng triệu đồng một cây.

Cú lừa đau: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ keo 502 - 2
Sung bonsai gắn quả đầy gốc bằng keo (Ảnh: Dân Việt)

Tuy nhiên, đây cũng là loại cây cảnh thường xuyên bị làm giả để lừa gạt người tiêu dùng. Những quả sung được gắn dễ dàng vào gốc, thân cây với keo 502 siêu dính. Không ít người ngã ngửa khi bỏ hàng trăm cho đến hàng triệu đồng mua một cây sung giả, vừa mất tiền vừa rước bực vào người.

Hoa đỗ quyên ngâm hóa chất

Không chỉ các loại cây cảnh bị làm giả bằng cách dán keo mà thị trường còn xuất hiện nhiều loại cây, hoa được phun thuốc kích thích.

Điển hình là hoa đỗ quyên khô hay còn gọi là đỗ quyên ngủ đông. Hoa đỗ quyên khô được nhập từ Trung Quốc, có chiều dài khoảng 50-60cm, mỗi bó trung bình từ 20-50 cành. Giá của loại hoa này từ 180.000-300.000 đồng/bó, còn bán lẻ theo cành giá 5.000-10.000 đồng/cành.

Cú lừa đau: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ keo 502 - 3
Cành hoa đỗ quyên ngủ đông cắm vào nước nở rất đẹp. (Ảnh: VTC News)

Cành hoa đỗ quyên ngủ đông nhìn không khác gì những cành củi khô. Người tiêu dùng chỉ việc cắm hoa vào nước là hoa sẽ nở rất đẹp. Những bông nụ mới hé nở có màu tím hồng nhạt, khi nở tròn bông thì chuyển sang tím đậm, cánh hoa mỏng nhẹ, có mùi thơm nhẹ nhàng... Cũng chính vì thế, nhiều người cho rằng loài hoa có khả năng "biến hình" hết sức vi diệu này “ngậm” hóa chất vô cùng độc hại.

Viet Q thông tin, theo một nghiên cứu mới đây, một lượng từ 100-225 g lá đỗ quyên có thể gây ngộ độc nặng cho trẻ em có trọng lượng khoảng 25kg. Do đó, nếu lựa chọn loại cây này để chơi Tết thì cần thật sự cẩn trọng, tránh để trẻ em hái rồi ăn phải hoa lá đỗ quyên ngủ đông.

Chậu hồng cổ từ xi măng

Mấy năm gần đây, thú chơi hoa hồng cổ lại rộ lên. Nhưng để có được một gốc hồng cổ, người chơi phải chấp nhận một cái giá khá đắt đỏ, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Nắm bắt được điều này, một số nhà vườn đã sáng tạo ra cách làm cây hồng giả cổ. Họ sử dụng xi măng, thạch cao và rêu để đắp lên gốc của cây, sao cho có độ đẹp, cổ kính... như một cây hồng cổ thật và bán với giá rẻ hơn, từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

Cú lừa đau: Táo bonsai nở hoa dâm bụt, hải đường chi chít nụ keo 502 - 4
Thân cây hồng được đắp xi măng, thạch cao để tạo thế (Ảnh: Thùy Anh)

Nhiều người mua hàng online hoặc không am hiểu về hoa hồng cổ có thể sẽ ngã ngửa khi biết rằng họ đang chi cả triệu đồng để mua một chậu cảnh đắp xi măng. Thậm chí, tuổi thọ của cây hoa hồng có thể sẽ bị ảnh hưởng khi đắp thêm một lớp xi măng lên thân cây.

Cẩn thận những chiêu lừa bán cây giả

Bà Lê Thị Hoa, chủ nhân của vườn hoa, cây cảnh ở Tứ Liên (Hà Nội) cho biết trên Hà Nội Mới: Nhiều thương lái sau khi mua cây cảnh, hoa cảnh tại vườn rồi "mông má" mang đi bán. Các thương lái dùng keo để gắn hoa, quả vào cành, thân cây cành đánh lừa người mua. Phổ biến là kiểu "râu ông cắm cằm bà" bằng cách cắm những hoa của cây này vào thân cây khác hay trên một cây lại gắn giả nhiều loại hoa với màu sắc rực rỡ.

Đối với loại cây cảnh có quả thì thực hiện cách "treo đầu dê, bán thịt chó", chỉ cần một lọ keo cây sẽ sum suê đầy quả. Nhiều nhất vẫn là cây thay cành đổi gốc, bị cắt rễ chiết non, chiết cành cắt tỉa lại cho đẹp mắt rồi cắm vào chậu, chêm nện gốc sao cho chắc chắn rồi mang đi bán.

Do kỹ thuật bắn keo khá tinh vi, nốt gắn nhỏ mà ngay cả người chơi cây cảnh đôi khi cũng bị mắc lừa. Nhiều năm nay, tình trạng bán hoa, cây cảnh rởm cứ gần đến Tết lại xuất hiện.

Vì vậy, người mua cần xem xét kỹ các loại cây cảnh, hoa tươi trước khi mua kẻo bị mắc lừa, nhất là những loại cây dễ bị làm giả như: táo, sung, hải đường... Tốt nhất, người tiêu dùng nên mua cây cảnh tại các vựa cây có uy tín, có địa chỉ rõ ràng.

Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)