Những dấu hiệu xấu
Đầu tháng 6/2002, nhà máy Samsung tại Việt Nam, cơ sở sản xuất lớn nhất chiếm tới 60% sản lượng smartphone toàn cầu của tập đoàn, đã quyết định điều chỉnh giảm sản xuất từ 5 ngày/tuần xuống còn 3 ngày/tuần.
Các nguồn tin từ Hàn Quốc cho hay, Samsung có gần 50 triệu điện thoại thông minh đang nằm trong kho của các nhà phân phối. Năm 2022, hãng đặt mục tiêu xuất xưởng 334 triệu smartphone, sau đó điều chỉnh xuống khoảng 270 triệu và lượng hàng tồn tương đương với 18%.
Giới chuyên gia nhận định, Samsung thường duy trì khoảng 10% sản lượng điện thoại của mình trong kho nhà phân phối. Tuy nhiên, con số hiện tại gần gấp đôi, đáng lẽ là 27 triệu máy thì hiện tại là 50 triệu máy. Điều này cho thấy hãng đang đối mặt với gánh nặng từ hàng tồn kho quá lớn và nhu cầu của thị trường bị giảm mạnh.
Câu chuyện Samsung giảm sản xuất tại Việt Nam, là dấu hiệu cho thấy, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới các tập đoàn lớn, buộc họ phải điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, sự suy giảm tăng trưởng, thậm chí một số quan ngại rơi vào suy thoái, khiến hầu hết các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại của Việt Nam bị suy giảm năng lực sản xuất lẫn thắt chặt tiêu dùng. Điều này gây bất lợi lớn cho khả năng duy trì đà tăng của sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2022.
Nửa đầu năm 2022, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô là điểm tựa cho sự phục hồi. Tháng 5/2022 chỉ số PMI ( quản lý mua hàng) của Việt Nam tăng lên 54,7 so với mức 51,7 điểm của tháng 4; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305 tỷ USD, tăng 15,6%, chứng tỏ sự phục hồi ấn tượng.
Đến đầu tháng 6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo ông Việt, nhìn về cuối năm khó khăn vẫn rất lớn. Lo ngại nhất vẫn là áp lực lạm phát và bất ổn toàn cầu gây ra những rủi ro ở hầu hết các thị trường chính trên thế giới cũng như Việt Nam. Thực tế, chỉ số PMI nửa đầu tháng 6 đã có sự suy giảm so với tháng 5/2022. Kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng cao, nhưng khối lượng nhập khẩu hàng hoá qua các cảng biển của Việt Nam trong nửa đầu năm, lại có sự suy giảm đáng kể, so với nhiều năm gần đây. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, lẫn chiến lược “zero Covid” của Trung Quốc, đã khiến Việt Nam gặp khó trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vốn dựa nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Đầy rủi ro, bất ổn
Trên thực tế, nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta đã giảm sút vào tháng 5/2002. Cụ thể: thủy sản giảm 5,99%; rau quả giảm 20,99%; cafe giảm 10,49%; hạt tiêu giảm 13,71%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc giảm 2,46%; clanke và xi măng giảm 49,97%; điện thoại và linh kiện giảm 28,79%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 19,19%... so với tháng 4/2022.
Chẳng hạn, với xuất khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, các DN cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng nhưng việc nâng giá sản phẩm không thể thực hiện ngay và trong một số trường hợp là bất khả thi vì đã cố định trong hợp đồng ký kết từ 6-8 tháng trước. Do vậy, DN không có lợi nhuận. Hiện có nhiều đơn đặt hàng thực phẩm ăn liền, đồ uống, bún, miến, mì ăn liền từ Mỹ, châu Âu,... nhưng các DN không dám nhận bởi rủi ro biến động đầu vào và không có vốn mua nguyên liệu dự trữ.
Ngoài yếu tố đầu vào tăng cao tác động, còn nguyên nhân khác là do Ngân hàng Nhà nước đã bán mạnh USD ra để ổn định tỷ giá, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho hàng hóa Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh, so với các đối thủ trong khu vực và sẽ gây khó khăn cho các DN xuất khẩu vào nửa cuối năm.
Các DN sản xuất và kinh doanh cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tín dụng trong nước. Nhiều DN thiếu vốn trong khi không thể tiếp cận vốn với lãi suất thấp từ ngân hàng. Xu hướng tăng lãi suất huy động và cho vay do áp lực lạm phát, sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao, DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt tốt hơn tín hiệu kinh tế trong và ngoài nước, để có những dự báo và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt, phòng ngừa các rủi ro. Cần củng cố lại văn hoá và nền tảng quản trị DN, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất, tham gia sâu hơn hơn vào các chuỗi giá trị. Đây vừa là sách lược ứng phó những khó khăn, thách thức trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng.
Thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao trong 5 tháng đầu năm (57,1% dự toán), Chính phủ cần đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Cần giảm thuế, phí để giảm gánh nặng cho DN và người dân. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ các gói đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, để tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích kinh tế khởi sắc nửa cuối năm.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)