Người trúng Jackpot 300 tỷ đồng nói gì khi nhận giải?
Nhìn lại mùa báo cáo tài chính bán niên 2018, dễ nhận thấy điểm chung của hầu hết công ty xổ số là doanh số phát hành và tiêu thụ vé tăng đột biến. Điều này trái ngược với những lo lắng trước đó khi miếng bánh thị phần ngày càng chia nhỏ bởi sự xuất hiện của một “thế lực mới” là Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Lượng vé phát hành tăng, cộng thêm cơ cấu giải thưởng cho vé số truyền thống thay đổi từ đầu 2017 dẫn đến chi phí trả thưởng trong nửa đầu năm nay cũng biến động mạnh.
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP HCM – đơn vị dẫn đầu thị phần xổ số khu vực miền Nam – cho biết số tiền trả thưởng cho 52 kỳ quay số lên đến 1.985 tỷ đồng. Con số này tăng gần 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước để trở thành khoản chi lớn nhất của doanh nghiệp này, tiếp đến mới là chi phí trực tiếp phát hành vé số, quản lý doanh nghiệp và kinh doanh văn phòng cho thuê...
Sau khi trừ toàn bộ chi phí, Xổ số kiến thiết TP HCM ghi nhận lợi nhuận trước thuế 587 tỷ đồng và hoàn thành thành gần 67% kế hoạch cả năm. Ban lãnh đạo công ty từng nhận định, cơ cấu giải thưởng mới với giá trị đặc biệt tăng lên 2 tỷ đồng đang mang lại triển vọng lớn cho xổ số truyền thống. Để giữ vị thế “ông lớn”, công ty đang cấp tập nghiên cứu và dự kiến vận hành chính thức loại hình xố số mới là cào biết ngay kết quả trong năm nay.
Đi trước TP HCM, Công ty TNNH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai đã tung ra loại hình vé số tự chọn với nhiều mệnh giá khác nhau. Tuy nhiên, kết quả sau hơn một năm rưỡi kinh doanh sản phẩm mới vẫn chưa như kỳ vọng của vì lỗ gộp sau khi trả thưởng và chi phí vận hành gần 3 tỷ đồng.
Trở lại với loại hình xổ số truyền thống, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 2.040 tỷ và lợi nhuận ròng 240 tỷ. Chi phí trả thưởng trong nửa đầu năm cũng lên xấp xỉ 1.100 tỷ, bên cạnh đó còn khoản dự phòng rủi ro trả thưởng 119 tỷ được liệt vào khoản mục nợ phải trả ngắn hạn.
Thị trường tiêu thụ không rộng khắp như hai doanh nghiệp đầu ngành xổ số truyền thống, nhưng Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang đã tiệm cận mốc doanh thu trước thuế 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này ước tính đã dành 934 tỷ đồng trả thưởng cho chín hạng giải và trích lập dự phòng 152 tỷ, hạch toán trong chi phí trực tiếp phát hành xổ số cùng với chi phí hoa hồng đại lý, in ấn...
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang cũng ghi nhận doanh thu hơn 1.980 tỷ đồng trong sáu tháng. Sau khi trừ chi phí trả thưởng 1.040 tỷ đồng và một số khoản phí khác, công ty báo lợi nhuận ròng 227 tỷ.
Trong khi đó, nhờ liên tục mở rộng phạm vi hoạt động lên 38 tỉnh thành và dự kiến phủ khắp cả nước vào cuối năm nay, doanh thu của Công ty TNNH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) luôn vượt mục tiêu tăng trưởng 20% mỗi kỳ.
Báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm của doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu có thuế xổ số tự chọn đã phát hành là 2.377 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu không có nhiều sự xáo trộn khi xổ số tự chọn theo ma trận bằng sản phẩm Mega 6/45 và Power 6/55 chiếm tỷ trọng áp đảo với hơn 97%.
Với chín kỳ mở thưởng mỗi tuần, chi phí trả thưởng và dự phòng rủi ro trả thưởng trong sáu tháng lên đến 1.284 tỷ đồng, tăng gần 250 tỷ so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 210 tỷ đồng và vượt xa mục tiêu 142 tỷ được Bộ Tài chính thông qua hồi đầu năm. Đóng góp lớn vào kết quả này là lợi nhuận khác từ các giải Jackpot không có người lĩnh thưởng với tổng trị giá 116 tỷ đồng. Một phần trong số đó là chiếc vé trúng 105 tỷ đồng, được phát hành tại Cần Thơ vào cuối năm 2017 nhưng không tìm được chủ nhân.
Việc phân phối lợi nhuận khoản tiền này thực hiện theo quy định của pháp luật, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Phần lợi nhuận còn lại Vietlott tiếp tục nộp về ngân sách các địa phương nơi công ty đang triển khai kinh doanh nhằm phục vụ hoạt động giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội.
Theo Phương Đông (VnExpress.net)