Chiều 30/10, bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TS Việt Nam đã có mặt tại đội quản lý thị trường số 6 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) để giải trình liên quan đến việc cơ quan chức năng thu giữ lô hàng 14.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại buổi làm việc giữa các bên liên quan có sự chứng kiến của PV Báo Gia đình và Xã hội.
Vị giám đốc cho biết, ngày 18/10 vừa qua khi đội quản lý thị trường số 6 đến cơ sở sản xuất có địa chỉ tại lô 18, khu hành chính mới phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội bà đang đi vắng.
Bà Trang cũng thừa nhận lô hàng 14.000 sản phẩm bị thu giữ bao gồm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm là của công ty do mình làm chủ.
“Hơn 14.000 sản phẩm đó là do công ty tôi nhập của các nhà sản xuất. Do lo sợ trong quá trình vận chuyển các sản phẩm và bao bì bị móp méo, biến dạng nên công ty đã đề nghị nhà sản xuất cung cấp sản phẩm và bao bì tách riêng để đưa về khu xưởng của công ty và tự tiến hành đóng gói. Tất cả sản phẩm và bao bì đều do nhà sản xuất cung cấp”,người đứng đầu Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TS Việt Nam cho hay.
Khi ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng đội quản lý thị trường số 6 yêu cầu cung cấp thông tin về nhà sản xuất cho cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, bà Trang từ chối với lý do: “Nhiều nhà sản xuất tự đến công ty chào hàng với bộ phận mua hàng chúng tôi cũng không lưu giữ lại thông tin. Sau khi 14.000 sản phẩm bị thu giữ chúng tôi cũng có liên hệ lại với các nhà sản xuất nhưng đến nay tất cả đều đã tắt máy và không liên lạc được”.
Ông Hoàng Đại Nghĩa tiếp tục chất vấn: “Tại sao khi biết trên bao bì sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc sản xuất và công bố chất lượng mỹ phẩm theo đúng quy định của Bộ Y tế mà công ty vẫn tiến hành nhập về”?.
Lúc này, nữ giám đốc phân trần: “Ngày 3/10, công ty đã phát hiện sự bất thường này và yêu cầu toàn bộ nhân viên liên quan giải trình đồng thời tiến hành liên hệ với cơ quan cảnh sát môi trường và một công ty chuyên về xử lý, thiêu đốt sản phẩm giả, nhái để tiến hành thiêu hủy lô hàng tuy vậy do chưa có sự đồng thuận về mức giá với công ty đối tác nên số hàng này vẫn lưu lại tại kho (?)”.
Thông tin trên ngay sau đó bị ông Hoàng Đại Nghĩa phản bác: Thời điểm lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, có 8 công nhân của công ty đang tiến hành đóng gói sản phẩm, đồng thời đã có những sản phẩm mỹ phẩm và TPCN đã đóng gói xong chứ không phải là hàng đang đợi tiêu hủy.
Cũng không có tình trạng bao bì bị móp méo trong quá trình vận chuyển như bà Trang thông tin.
Kết thúc buổi làm việc, ông Hoàng Đại Nghĩa cho PV Báo Gia đình & Xã hội biết: Sáng 31/10, sẽ diễn ra buổi họp giữa Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cùng Công an thành phố Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhằm tiến hành phân loại hồ sơ xem có xử lý hình sự đối với vụ việc này hay không.
4 sai phạm rõ ràng
Theo biên bản làm việc ngày 18/10 giữa Đội quản lý thị trường số 6 và công ty TNHH thương mại và dịch vụ TS Việt Nam đã chỉ rất rõ những sai phạm của công ty này đối với 14.000 sản phẩm bị thu giữ, cụ thể:
Thứ nhất, chưa thực hiện xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP theo quy định đối với các mặt hàng: Mầm ngũ cốc non giảm cân (số lượng 880 hộp), mầm ngũ cốc non tăng cân (218 hộp), kén đặt đông y (680 hộp), ngọc nhũ nương (3000 hộp).
Thứ 2, chưa thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y Tế với các sản phẩm: Kem Ann 30ml (135 lọ), gel lạnh tan mỡ (1465 hộp gồm: 445 hộp đã dán nhãn thành phẩm, 1020 hộp chưa dán nhãn), mặt nạ ngủ (4980 hộp), bột rửa mặt đông y hoàng cung (140 hộp), tinh chất gội serum 4 hair (75 hộp), SK8 super white 6 in 1 (140 hộp), sữa tắm không nhãn (350 hộp), doctor baby skin (84 túi).
Thứ 3, ghi giả mạo nơi sản xuất trên nhãn với sản phẩm tắm trắng nhau thai cừu (756 hộp: 446 hộp thành phẩm, 310 hộp chưa dán nhãn).
Thứ 4, ghi giả mạo nguồn gốc hàng hóa mỹ phẩm trên nhãn với mặt nạ ngủ Herbal (1070 lọ).
Hiện tại các sản phẩm đã được đưa đi lấy mẫu kiểm định tại các cơ quan chuyên môn.
Theo Cao Tuân - Trần Tuấn (Giadinh.net.vn)