Jollibee Foods – công ty điều hành hoạt động chuỗi nhà hàng lớn nhất Philippines đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài và nhắm tới "những cơ hội" được tạo ra bởi dịch Covid-19. Hiện tại, Jollibee đang bắt đầu hồi phục sau năm thua lỗ lịch sử vì đại dịch.
Sau khi tái cấu trúc vào năm ngoái, CEO Jollibee là Ernesto Tanmantiong lên kế hoạch mở 450 nhà hàng trên khắp thế giới trong năm nay đồng thời cũng tìm thêm các thương vụ thâu tóm với nguồn vốn được sử dụng từ số tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn trị giá 57,5 tỷ pesos (1,2 tỷ USD) của công ty.
Ông Tanmantiong hiện vẫn hy vọng đạt được mục tiêu dài hạn là biến công ty thành đơn vị điều hành chuỗi nhà hàng top 5 thế giới. Jollibee đã công bố khoản lỗ 11,5 tỷ peso vào năm ngoái – mức thua lỗ năm đầu tiên trong ít nhất 30 năm của công ty.
"Có rất nhiều cơ hội tạo ra từ đại dịch. Chúng tôi đang liên tục tiếp cận những cơ hội này".
Jollibee giống như những chuỗi nhà hàng khác trên khắp thế giới, chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Kinh tế Philippines đã rơi vào suy thoái trong năm 2020 và sự phục hồi kinh tế thậm chí có thể yếu hơn dự tính ban đầu khi những chiến dịch tiêm vaccine bị trì hoãn.
Quốc gia này là nơi có số ca nhiễm Covid-19 lớn thứ 2 ở Đông Nam Á và những biện pháp ngăn chặn đại dịch trong năm vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề nhất là nhà hàng và công ty du lịch.
Để đối phó với dịch bệnh, Jollibee đã dành 7 tỷ pesos để "thay đổi doanh nghiệp" gồm cả việc nâng cấp nền tảng giao hàng và đặt hàng trực tuyến.
Hiện tại, tình hình tài chính của Jollibee vẫn ổn đinh, thậm chí CEO Tanmantiong khẳng định rằng công ty có thể thực hiện thêm các thương vụ thâu tóm lớn như The Coffee Bean & Tea Leaf – thương vụ thâu tóm lớn nhất trị giá 350 triệu USD của họ vào năm 2019. Hiện Jollibee đã để mắt tới nhiều thương hiệu "tuy nhiên thời điểm này chúng tôi chưa thể tiết lộ".
Jollibee đang đẩy mạnh mở rộng ra nước ngoài trong năm thứ 2.
80% các cửa hàng mới trong năm 2021 của công ty là ở nước ngoài và đây sẽ là "sự chia đều" cho các thị trường gồm Trung Quốc, Bắc Mỹ, Đông Nam Á. Tính tới năm 2024, một nửa doanh thu của họ sẽ tới từ nước ngoài. Tính tới cuối năm 2020, 58% doanh thu của họ tới từ Philippines.
"Chúng tôi hiện đang trong giai đoạn mở rộng để chuẩn bị cho sự hồi phục đầy đủ từ đại dịch và điều này sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo. Chúng tôi đang đầu tư nhiều hơn vào thị trường nước ngoài đặc biệt là các thị trường mà đang hồi phục nhanh từ đại dịch".
Jollibee có hơn 5.800 cửa hàng ở 33 thị trường trên khắp thế giới tính tới cuối năm ngoái.
Cổ phiếu công ty đã tăng 0,7% trong phiên giao dịch ngày thứ 3. Cả năm nay nó đã chứng kiến mức giảm 7%.
CEO Tanmantiong nói rằng ông lên kế hoạch đưa Jollibee có lợi nhuận và đạt tốc độ tăng trưởng trở lại thời trước đại dịch vào năm 2022.
Việc tái cấu trúc và những biện pháp phòng ngừa virus đã giúp Jollibee có lãi vào quý 4 của năm ngoái, chấm dứt 3 quý liên tiếp thua lỗ, nâng số dư tiền mặt lên 2,3%, ở mức 23,4 tỷ pesos tính tới cuối năm 2020.
Các chuyên gia của Bloomberg dự đoán, Jollibee sẽ đạt lãi ròng 4,12 peso trong năm nay, kỳ vọng tăng lên 6,16 tỷ pesos vào năm 2022.
CEO Tanmantiong cho rằng những số liệu trên hoàn toàn có thể đạt tới. Thách thức phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine và thời gian đạt được miễn dịch cộng đồng".
Jollibee Group thông qua công ty con là SuperFoods (một công ty Việt Nam) đã nâng sở hữu tại SF Vũng Tàu từ 50% lên 60% vào tháng 5/2017. Trong khi đó, SF Vũng Tàu chính là công ty mẹ sở hữu 100% vốn CTCP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên, đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng đồ uống Highlands Coffee tại Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính của Jollibee, số tiền mà tổ chức này bỏ ra cho thương vụ mua lại này là 4,81 tỉ Peso (tương đương 2.170 tỉ đồng), trong đó với chuỗi Highlands Coffee là 3,68 tỉ Peso (1.663 tỉ đồng), chuỗi Phở 24 là 463 triệu Peso (209 tỉ đồng).
Theo Phương Linh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)