Bộ Giao thông vận tải vừa công bố tổng mức đầu tư (TMĐT) và suất vốn đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng.
Theo kết quả rà soát, TMĐT và suất vốn đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước và giá xây dựng tổng hợp hạng mục công trình thì tương tự như các dự án vốn Nhà nước và tương đương suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp theo công bố của Bộ Xây dựng.
Theo kết quả rà soát, TMĐT và suất vốn đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Ảnh: Báo Giao thông |
Cụ thể, đối với đoạn quy mô mặt cắt ngang trung bình 20,5m, giá xây dựng tổng hợp ở các dự án BOT khoảng 26,63-33,50 tỷ đồng/km, tại các dự án vốn TPCP khoảng 29,78-37,67 tỷ đồng/km.
Trong khi, theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định 439 ngày 26/4/2013 giá xây dựng trung bình khoảng 37,02 tỷ đồng/km. Các đoạn quy mô mặt cắt ngang trung bình 12m, giá xây dựng tổng hợp ở các dự án BOT khoảng 16,51-18,60 tỷ đồng/km.
Tại các dự án vốn TPCP khoảng 18,25-20,75 tỷ đồng/km. Theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định 439 của Bộ Xây dựng giá xây dựng khoảng 23,25 tỷ đồng/km.
Đối với các công trình theo hình thức BOT như: Cầu Việt Trì, cầu Thái Hà, cầu Yên Xuân,... giá xây dựng tổng hợp của dầm hộp đúc hẫng khoảng 48-53 triệu đồng/m2 (khẩu độ dầm 90m); nhịp dẫn giản đơn khoảng 17-23 triệu đồng/m2 (dầm Super T khẩu độ 40m).
Tại các dự án vốn TPCP đã duyệt, giá xây dựng tổng hợp của hạng mục tương ứng khoảng 48-59 triệu đồng/m2 (dầm hộp đúc hẫng khẩu độ 90m) và 21-29 triệu đồng/m2 (đối với cầu sử dụng dầm Super T khẩu độ 40m).
Theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 439, giá xây dựng tổng hợp khoảng 40,44 triệu đồng/m2 (chỉ công bố dầm hộp đúc hẫng khẩu độ <100m) và 30,49 triệu đồng/m2 (đối với cầu sử dụng dầm Super T khẩu độ 40m).
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết đây chỉ là cơ sở để bố trí kế hoạch vốn.
“Đối với dự án BOT, tổng mức đầu tư là cơ sở để xác định sơ bộ thời gian hoàn vốn làm cơ sở đàm phán hợp đồng tín dụng và hợp đồng dự án”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng nêu thực tế, nhiều quy định các bộ, ngành vẫn có cách hiểu khác nhau như chi phí nhân công, phụ cấp không ổn định sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và kết luận Thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Từng chủ thể trong quá trình lập và thẩm định TMĐT còn một số tồn tại, nhầm lẫn, sai sót về lựa chọn giá vật liệu, xác định chi phí vận chuyển, tính toán khối lượng....”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ đầu tư có thẩm quyền phê duyệt thiết kế và dự toán. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, năng lực các nhà đầu tư chưa cao có thể là kẽ hở để dẫn đến sai phạm”, thứ trưởng nhấn mạnh.
Để khắc phục thực trạng trên, Bộ GTVT chỉ đạo các nhà đầu tư lựa chọn Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) là đơn vị thẩm tra dự toán và việc sử dụng dự phòng phí phải được Bộ GTVT chấp thuận.
Theo Kiều Vui - Công Khanh (Zing.vn)