The New York Times gọi Đà Nẵng là Miami của Việt Nam, Lonely Planet giới thiệu thành phố bên sông Hàn là một trong những đô thị thú vị nhất nước, còn CNN trong 2 năm liên tiếp chọn hình ảnh về Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà và tượng Quan Thế Âm tại chùa Linh Ứng vào top những hình ảnh du lịch ấn tượng nhất thế giới…
Từ một địa phương phải nỗ lực đạt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng từ du lịch, Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam được truyền thông quốc tế không ngừng ngợi ca... Tuy nhiên cơn bão Covid-19 đã khiến nền kinh tế của thành phố biển này điêu đứng, ước tính thiệt hại riêng trong mảng du lịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng trong nửa đầu 2020.
Sau hàng loạt biện pháp marketing, kích cầu, những tưởng du lịch Đà Nẵng sẽ hái quả ngọt trong đợt cao điểm hè từ nguồn khách nội địa, thì bất ngờ phát hiện 4 ca lây nhiễm mới. Hệ quả là khách du lịch nhanh chóng tìm đường rời khỏi Đà Nẵng. Nhiều trường hợp đã đặt tour tới đây yêu cầu hủy tour, hoàn tiền.
"Một đoàn khách gia đình 5 người đặt tour Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm cuối tháng 7 vừa yêu cầu hủy tour, hoàn lại vé vào đêm qua. Sáng nay, một nhóm khách khác đã chốt tour lại tiếp tục yêu cầu đổi địa điểm sau thông tin về ca nhiễm mới Covid-19.
Tôi hiện rất đau đầu vì không thể xử lý các trường hợp hoàn vé cho khách hàng do hãng bay chưa hủy chuyến. Hủy vé lúc này, khách hàng mất hoàn toàn quyền lợi và số tiền đã bỏ ra, không thể được hoàn tiền", trưởng bộ phận sale tại một công ty du lịch có tiếng cho biết.
Trong vòng 24h qua, phong trào giải cứu du lịch Đà Nẵng đã được khởi xướng trên cộng đồng người dùng Facebook. Đã có hơn 1.400 bài đăng kêu gọi khách hàng không hủy tour, hủy khách sạn, thay vào đó chỉ đổi ngày du lịch để cùng thành phố biển vượt qua khó khăn.
Một cá nhân làm trong ngành du lịch cũng thừa nhận thời điểm này dịch đã diễn ra, khách hàng hủy chuyển thì khả năng cao sẽ mất hoàn toàn quyền lợi và số tiền bỏ ra, do hãng bay chưa hủy chuyến. Thay vào đó, các bên nên nghĩ cách để cùng nhau vượt qua khó khăn thay vì "đạp cho nhau chết hẳn".
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong quý 1-2020, tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch thành phố khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế quý 2-2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng, trong đó ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để chống dịch. Theo đó, thành phố tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26/7/2020; tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện tập trung đông người; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…).
Chủ tịch UBND thành phố Đã Nẵng cũng yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.