Các đại diện cao cấp từ cộng đồng doanh nghiệp khối châu Á - Thái Bình Dương đã kết thúc hai ngày họp của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) vào chiều ngày 6/11, để thông qua khuyến nghị gửi tới lãnh đạo cấp cao 21 nền kinh tế thành viên. Trong thông báo này, họ nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện cải cách cấu trúc và thương mại.
Khuyến nghị của ABAC kêu gọi các nhà lãnh đạo tiếp tục thúc đẩy tự do hoá thương mại với dòng chảy hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
“Để đạt được điều này cần giải quyết những cải cách cấu trúc và các rào cản phi thuế quan, khuyến khích đầu tư xuyên biên giới, và duy trì cam kết để hiện thực hoá Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương”, ông Hoàng Văn Dũng, chủ tịch ABAC 2017, nói tại cuộc họp báo.
Theo ông Dũng, sự phục hồi của kinh tế thế giới đã có những chỉ số tích cực. “Tuy nhiên, việc này diễn ra khá lâu kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Do vậy, chúng ta cần tạo ra một môi trường có thể bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển bao trùm”.
“Điều này đòi hỏi tiến hành cải cách cấu trúc sâu và rộng hơn để tăng cường hiệu suất, tiền lương và kỹ năng của người lao động, và thực thi hiệu quả những chính sách nội địa để giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng với thế giới toàn cầu hoá”, ông Hoàng Văn Dũng nói.
Vị chủ tịch ABAC năm nay khẳng định các thành viên đều đồng lòng ủng hộ một hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ.
Khuyến nghị của ABAC cũng nhấn mạnh tiềm năng làm biến chuyển của nền kinh tế số (digital economy). “Các cộng động của chúng ta có thể đạt lợi ích to lớn từ cách mạng số. Tuy nhiên, chúng ta không thể để xảy ra tình trạng một bộ phận bị ảnh hưởng vì điều này”, ông Dũng nói.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, ABAC 2018 sẽ tiếp tục chú trọng vào những vấn đề như nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vững chắc, trang bị kỹ năng cần thiết cho người lao động đáp ứng những đòi hỏi trong tương lai, một môi trường luật lệ để bảo đảm dòng chảy thông tin, dữ liệu xuyên biên giới nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn thông tin cá nhân…
Trả lời PV bên lề cuộc họp báo về chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo nền kinh tế hàng đầu trong APEC, ông Richard Canton, chủ tịch Tiểu ban Kinh tế và tài chính ABAC, trưởng bộ phận đánh giá rủi ro công ty Moody’s nói: "Đó là về quan điểm của chính quyền Trump. Chúng tôi hy vọng sẽ được lắng nghe nhiều hơn trong bài phát biểu tới đây của ông Trump tại Việt Nam. Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi đều hy vọng việc mở rộng sự tự do thương mại”.
Theo ông Cantor: “Chính phủ mỗi nước sẽ xử lý những vấn đề khác nhau. Các cuộc đàm phán giữa các bên cũng sẽ có một số nội dung khác nhau. Chúng tôi không tham gia vào những cuộc đàm phán này. ABAC không phải là một nhóm chính trị. Chúng tôi chỉ cố gắng đưa ra đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về định hướng chung".
ABAC là một trong 3 cơ chế quan trọng nhất của APEC. APEC coi thương mại là huyết mạch của khu vực và kinh doanh là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Nhận thức được vai trò quan trọng của kinh doanh và giá trị của các lời khuyên từ giới doanh nghiệp trong các vấn đề chủ chốt, các lãnh đạo APEC đã lập ra Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (viết tắt là ABAC) vào năm 1995.
Hội đồng này, tập hợp các tiếng nói từ khối tư nhân, sẽ đề xuất kiến nghị lên lãnh đạo APEC trong các cuộc đối thoại thường niên, mang lại lời khuyên đối với các ưu tiên cũng như quan ngại của giới doanh nghiệp.
ABAC họp 4 lần/năm, đại diện ABAC cũng tham dự các hội nghị quan chức cấp cao, hội nghị bộ trưởng và hội nghị bộ trưởng khu vực APEC.
Theo Cảnh Toàn (Tri Thức Trực Tuyến)