Con trai Bầu Hiển top 100 giàu nhất Việt Nam

15/02/2022 10:27:01

Con trai của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) vẫn trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho dù giá cổ phiếu SHB giảm mạnh trong phiên thị trường lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine.

Trong phiên giao dịch 14/2, nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ thành tội đồ trên thị trường chứng khoán khi kéo chỉ số VN-Index rớt tới 30 điểm trong những phút cuối. Nhiều cổ phiếu nhà băng giảm 6-7%, trong đó có cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển).

Cổ phiếu SHB chung cuộc giảm gần 6,8% xuống còn 22.000 đồng/cp, so với mức 23.600 đồng/cp phiên trước đó. Vốn hóa của ngân hàng giảm này gần 4,3 nghìn tỷ đồng. Cú giảm giá khiến tài sản của ông Đỗ Quang Hiển và con trai Đỗ Vinh Quang giảm mạnh.

Tập đoàn T&T của nhà Bầu Hiển hiện nắm giữ 10% cổ phần SHB, trong khi con trai Đỗ Vinh Quang nắm giữ 2,74%, còn Bầu Hiển trực tiếp nắm giữ 2,54% cổ phần SHB.

Mặc dù khối tài sản giảm gần 120 tỷ đồng chỉ trong một phiên nhưng con trai Bầu Hiển - Đỗ Vinh Quang vẫn nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán với hơn 1,6 nghìn tỷ đồng.

Ông Đỗ Vinh Quang nổi tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ năm 2020 sau khi bất ngờ mua một lượng lớn cổ phiếu SHB của ngân hàng do bố ông là Bầu Hiển làm chủ tịch.

Trước đó, tên tuổi của Đỗ Vinh Quang cũng được nhắc đến khi trở thành Chủ tịch Hà Nội FC ở tuổi 25 và sau đó là Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12).

Vào đầu 2020, cậu út nhà Bầu Hiển đã bỏ ra vài trăm tỷ đồng và mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Với mức giá mua khi đó khoảng 7-8.000 đồng/cp, cho tới thời điểm hiện tại ông Vinh đã lãi một gấp 5-6 lần, được thêm khoảng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Với việc sở hữu 35,9 triệu cổ phiếu SHB, Đỗ Vinh Quang đã vượt qua Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển để trở thành cổ đông cá nhân nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu lớn nhất tại ngân hàng này.

Hồi đầu 2021, thiếu gia nhà ông Đỗ Quang Hiển thực hiện thương vụ nghìn tỷ đồng chỉ vài tháng sau khi lên nắm vị trí lãnh đạo cao nhất của một doanh nghiệp CPH.

CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (T12) do ông Đỗ Vinh Quang (con trai của Đỗ Quang Hiển - Bầu Hiển) phát hành 40,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:3 với giá bán 30.000 đồng/cp. Doanh nghiệp của thiếu gia nhà Bầu Hiển tăng vốn từ 135 tỷ đồng lên 540 tỷ đồng.

Con trai Bầu Hiển top 100 giàu nhất Việt Nam
Hai con trai của Bầu Hiển: Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang.

Thương mại Dịch vụ Tràng Thi từng là công ty con của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Sau Hapro thoái vốn hơn 53% cổ phần cuối năm 2019, Tràng Thi thuộc về nhóm cổ đông Tập đoàn T&T (trước đó Tập đoàn T&T là cổ đông chiến lược sở hữu 20% cổ phần).

Ông Đỗ Vinh Quang nhận chức Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi từ tháng 11/2020, sau khi ĐHĐCĐ bất thường bầu thay thế cho ông Bùi Trọng Dân xin từ nhiệm.

Trong khi em út Đỗ Vinh Quang lọt top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán thì anh trai Đỗ Quang Vinh nổi lên như một người đã sẵn sàng cho một sự chuyển giao quyền lãnh đạo tại SHB.

Ông Đỗ Quang Vinh (1989) là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam khi ngoài 30 tuổi đã bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB. Đỗ Quang Vinh đã có 5 năm làm CEO của T&T Mỹ. Ấn tượng hơn, Đỗ Quang Vinh còn từng giữ chức vụ quan trọng, Giám đốc Khối ngân hàng số và Phó giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ ở nước ngoài.

Gần đây, nhiều đại gia Việt chuyển dần tài sản và quyền quản lý doanh nghiệp cho con cái.

Hồi đầu 2021, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung đã sang tay 4% vốn PNJ (trị giá hơn 700 tỷ đồng) cho con gái Trần Phương Ngọc Hà.

Sau giao dịch, bà Cao Thị Ngọc Dung đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 9% xuống còn 5% vốn của PNJ trong khi đó con gái bà đã nâng sở hữu lên 4%, trong khi trước đó không nắm giữ cổ phiếu nào tại công ty.

Con trai doanh nhân Võ Quốc Thắng hồi đầu tháng 1/2021 cũng đã được bổ nhiệm là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Kienlongbank. Ông Võ Quốc Lợi, sinh năm 1988, là thạc sỹ quản trị kinh doanh, trường London Business (Vương quốc Anh) và có kinh nghiệm 9 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Thị trường sẽ tích lũy

Nhiều dự báo cho rằng, thị trường có thể giảm nhẹ nhưng sẽ khó giảm sâu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn khá tích cực. Chỉ số VN-Index có những ngưỡng hỗ trợ khá mạnh theo phân tích kỹ thuật.

Theo Chứng khoán BSC, thị trường có khả năng tích lũy quanh ngưỡng 1.480 điểm. Trước đó, thị trường tăng điểm một cách rụt rè với thanh khoản yếu ớt. Do vậy, một phiên giảm mạnh về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.470 như trong phiên 14/2 không có gì khiến nhà đầu tư đáng phải hoang mang về tương lai.

SHS cho rằng, những diễn biến tiêu cực từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vào cuối tuần trước đã có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường trong nước. VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.480 điểm (MA20-50) sau phiên 14/2 khiến cho bức tranh thị trường có phần xấu đi.

Theo SHS, vùng hỗ trợ tiếp theo của thị trường trong khoảng 1.425-1.450 điểm tương ứng với vùng đáy của tháng trước. Nếu xét trên góc độ định giá, P/E của VN-Index hiện ở mức 17 lần là mức trung bình của thị trường trong khoảng 5 năm trở lại đây; còn của VN30 là 16 lần, thấp hơn một chút so với mức trung bình 5 năm. Do đó, khả năng giảm mạnh ở thời điểm hiện tại là khá thấp.

Chốt phiên giao dịch 14/2, chỉ số VN-Index giảm 29,75 điểm xuống dưới ngưỡng 1.471,96 điểm. HNX-Index giảm 5,88 điểm xuống 421,01 điểm. Upcom-Index giảm 1,69 điểm xuống 110,85 điểm. Thanh khoản đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 25,9 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

Theo V. Hà (VietNamNet)

 

Nổi bật