Rụng rơi dần
Từ khi có Covid-19, ngành kinh doanh thức ăn đồ uống gặp nhiều khó khăn từ việc hạn chế số người, bán online tới đóng cửa hoàn toàn. Loạt các startup trong lĩnh vực này rơi vào tình trạng gặp khó khăn.
Soya Garden được sáng lập bởi ông Hoàng Anh Tuấn, từng đình đám trên Shark Tank Việt Nam, và nhận được khoản đầu tư từ Shark Thủy (ông Nguyễn Ngọc Thủy). Tháng 3/2018, Soya Garden tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng. Lúc này 82% cổ phần thuộc về CTCP Tập đoàn Ozen (là công ty của Shark Thủy); ông Hoàng Anh Tuấn còn sở hữu 9,54%; chị gái ông Tuấn là bà Hoàng Thu Thủy (đồng sáng lập) nắm 8,46%.
Đến tháng 3/2019, vốn điều lệ của Soya Garden tăng gấp 5 lên 100 tỷ đồng, nguồn vốn này phần lớn đến từ tập đoàn giáo dục E Group của ông Nguyễn Ngọc Thủy.
Năm 2020, bị ảnh hưởng bởi dịch, loạt cửa hàng Soya Garden tại nhiều vị trí kinh đoanh đắc địa phải đóng cửa. Về người sáng lập Hoàng Anh Tuấn, tháng 9/2020, ông này không còn là người đại diện pháp luật và CEO của Soya Garden (theo đăng ký kinh doanh).
Trong kế hoạch tái cấu trúc, Soya Garden sẽ theo hướng mở các cửa hàng quy mô nhỏ dưới 20 chỗ và dạng kiosk để tập trung nhiều hơn vào hình thức bán mang đi và giao hàng.
Một startup khác cũng dính lùm xùm gần đây là Vufood. Vufood là một startup về nền tảng máy pha chế và bán lẻ tự động, từng tham gia Shark Tank mùa 3 để gọi vốn đầu tư cho sản phẩm máy pha chế tự động Vufood. Ông Lê Tuấn Vũ, nhà sáng lập kiêm CEO của CTCP giải pháp kinh doanh Lê Vũ, đã đề nghị 350.000 USD cho 10% cổ phần.
Khi đó, chỉ có Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CEN Group, đồng ý với đề nghị 350.000 USD cho 36% cổ phần của Vufood, đồng thời Shark Hưng cam kết trong 3 năm không tăng thêm phần vốn rót và nhà đầu tư chấp nhận rời bỏ bất cứ thời điểm nào nếu lợi nhuận của startup đạt được 200% sau mỗi năm.
Tuy nhiên, sau phần thẩm tra doanh nghiệp, sản phẩm của Vufood không được Shark Phạm Thanh Hưng đầu tư. Phía Shark Hưng cũng xác nhận Vufood không có bất kỳ liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới CEN Group và Shark Hưng, mọi thông tin mà Vufood đưa ra đều là "giả mạo và sai sự thật".
Trước đó, sản phẩm của startup này có tên VuMedia là máy rửa tay sát khuẩn tự động kiêm màn hình quảng cáo. Startup này cho biết cỗ máy kiếm lợi nhuận 9 triệu đồng/tháng, hoạt động 24/7, lợi tức đầu tư thấp nhất là 80%/năm, không cần nhân viên.
Im lặng chờ thời
Mảng du lịch, nhiều startup im hơi lặng tiếng một thời gian dài kể từ khi đại dịch. Đơn cử như Luxstay - một startup đình đám trong thị trường Home-sharing (chia sẻ căn hộ). Tham gia Shark Tank Việt Nam, Luxstay là thương vụ mở màn mùa 3 với khoản vốn cam kết đầu tư đạt mức kỷ lục trong lịch sử chương trình: 6 triệu USD từ ba Shark: Việt, Hưng, Thủy; mỗi người rót 2 triệu USD.
Giống như nhiều startup hoạt động trong mảng du lịch, dịch Covid-19 cũng tác động khá nhiều đến startup này. CEO Nguyễn Văn Dũng từng cho biết, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Luxstay bị tác động rất lớn, tất cả các mục tiêu tăng trưởng đặt ra phải thay đổi. Thay vì tập trung mở rộng, startup này chuyển sang phương án hoạt động tối ưu hiệu quả để hướng tới lợi nhuận.
Mạng xã hội du lịch Astra xuất hiện trên Shark Tank Vietnam vào năm 2019 và gọi vốn thành công 1 triệu USD từ Shark Phạm Thanh Hưng. Theo giới thiệu, đây là mạng xã hội đầu tiên có tính năng trả thưởng cho người dùng, áp dụng công nghệ Blockchain để minh bạch trả thưởng. Nhà sáng lập mong muốn trong 5 năm tới startup sẽ chiếm 5% thị phần du lịch online toàn cầu và đưa Astra thành một trong những công ty công nghệ du lịch hàng đầu thế giới và khu vực.
Ngoài Shark Hưng, Astra cũng được rót vốn bởi hai nhà đầu tư thiên thần kiêm cố vấn là ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Thiên niên kỷ, Phó Chủ tịch HĐQT công ty Eracruises), ông Trần Văn Long (Chủ tịch HĐQT Công ty Du Lịch Việt).
Sau màn đình đám kiện kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam, Vntrip, một starup khác trong lĩnh vực du lịch cũng khá trầm lắng. Vntrip là một startup trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến tại Việt Nam, được thành lập bởi các nhà đầu tư từ Việt Nam và Hongkong. Đồng sáng lập và điều hành Vntrip là Lê Đắc Lâm - một CEO trẻ thuộc thế hệ 8X và là con trai ông Lê Đắc Sơn, nguyên Tổng giám đốc VPBank, hiện là Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đại Nam.
Mục tiêu ban đầu của Vntrip là khách hàng B2C với các dịch vụ đặt phòng khách sạn, vé máy bay. Khi có dịch, startup này chuyển hướng tập trung sâu hơn vào mảng khách hàng doanh nghiệp B2B. CEO của startup từng chia sẻ trên báo chí: Doanh thu giảm, thậm chí bằng 0 vào tháng 4/2020 - thời điểm Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng may mắn là Vntrip không nằm trong số những công ty phải đóng cửa vì Covid-19.
Không chỉ ngành thực phẩm hay du lịch mà các hệ thống rạp phim cũng phải đóng cửa. Beta Cinemas - một startup trong ngành này - cũng phải tìm hướng mới để tồn tại. Nhà sáng lập Minh Beta đã triển khai mô hình căn hộ dịch vụ giá hợp lý cho người trẻ.
Chi phí 5,5 triệu đồng/tháng, căn hộ được trang bị đầy đủ đồ nội thất, có nhà vệ sinh và một khu bếp nhỏ. Khoản phí này bao gồm tiền điện nước, phí giặt sấy 2 lần/tuần, thu gom rác, thang máy,...
Phạm Dũng - Founder TaxiGo, cho hay, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi năm công ty phục vụ khoảng 100.000 khách hàng. Do ảnh hưởng của dịch, doanh thu của công ty giảm 70%, có thời điểm về mức 0 đồng.
Tuy nhiên, theo anh Dũng, đây là cơ hội hoàn thiện lại mô hình. Tranh thủ thời gian nghỉ dịch, công ty tập trung phát triển lại nội dung, hoàn thiện mặt công nghệ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Theo Thư Kỳ (VietNamNet)