Cứ vào độ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch là đến mùa mực nhảy Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - một món ăn ngon nức tiếng. Nơi đây trở thành điểm hẹn hấp dẫn thực khách gần xa.
Nằm cách trung tâm TP. Hà Tĩnh 50km về phía Nam, mực sống nhảy tanh tách được những người thợ lành nghề đánh bắt vào ban đêm, các nhà hàng thu mua lại và nuôi sống.
Theo người dân, mực nhảy là những con mực khi vớt lên để chế biến vẫn còn sống, giãy đành đạch, mắt và các sao phát sáng trên thân mực nhấp nháy liên tục.
Mực nhảy có thể chế biến nhiều món khác nhau như luộc, hấp, gỏi, nướng tươi, xào... nhưng đơn giản và giữ được nguyên hương vị giòn, ngọt của mực là để nguyên con rửa sạch, cho vào nồi luộc vài phút vớt ra ngay. Gia vị không thể thiếu khi ăn là mù tạt hoặc nước mắm gừng, lá lốt...
Tại khu vực đền Eo Bạch (thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) có 19 nhà bè kinh doanh mực nhảy Vũng Áng. Mỗi ngày ở đây đón hàng trăm lượt khách đến thưởng thực mực nhảy. Hiện mỗi kg mực bán ra với giá từ 700.000 đồng 1 triệu nhưng vẫn cháy hàng.
Chủ nhà bè Thanh Nhàn cho biết, một tuần trở lại đây không còn mực nhảy để bán bởi khách đến đông và lượng mực câu được từ ngoài biển rất ít.
“Mực đang cháy hàng bởi khách đến đông nhưng ngoài biển không câu được mực. Thông thường từ tháng 2 âm lịch đến tháng 8 âm lịch là có mực nhảy. Khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch là có mực gần bờ. Còn hiện tại phải ra ngoài khơi xa mới có mực”, chủ nhà bè này nói.
Thông thường, giá mực nhảy ở mức 500.000-600.000 đồng/kg, cao điểm mực được bán với giá 700.000 đến 1 triệu đồng/kg.
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho biết, hiện có 19 bè nổi kinh doanh mực nhảy. Lượng khách tập trung về đây ăn uống rất đông, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ.
“Một số chủ bè tự đi câu được mực về nuôi thả và bán, số còn lại thì mua lại của những ngư dân đi câu vào ban đêm. Ở đây biển có độ mặn vừa phải nên nuôi sống được mực, chứ nơi khác không làm được như vậy do mực nhạy cảm với nước. Theo các nhà khoa học thì nồng độ muối trong biển phù hợp với điều kiện nuôi sống của mực”, ông Vượng nói.
Theo ông Vượng, tại các cơ sở kinh doanh, công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn được đảm bảo.
“Các cơ sở kinh doanh tuân thủ và ý thức cao về phòng chống dịch bệnh. Thời gian tới, địa phương đang định hướng kinh doanh mực nhảy gắn với chuỗi liên kết du lịch như ngọn hải đăng Mũi Ròn, trải nghiệm câu mực đêm cùng ngư dân ...”, ông Vượng nói thêm.
Theo chủ bè nổi, hiện tại họ đang mua lại của các thợ câu mực với giá 600 đến 700.000 đồng/kg nhưng không có để mua. Trong khi đó, nghề kinh doanh mực nhảy cũng gặp những rủi ro nhất định.
“Tỷ lệ sống sót của con mực nhảy mình đưa từ khơi vào khoảng 70%. Ví dụ 10 con mực thì chỉ có khoảng 7 con sống, 3 con sẽ chết chứ không phải con nào đưa vào đều sống tốt. Mực nhạy cảm với nước, nên dễ chết. Những ngày biển không có sóng nhiều thì mực sẽ sống tốt. Còn những lúc gặp thủy triều lên xuống, nước chảy vào lồng nhốt thì mực sẽ chết nhiều”, chủ nhà hàng Thanh Nhàn nói thêm.
Theo những người kinh doanh mực nhảy, biển Vũng Áng có độ mặn cao hơn nên mực sẽ ngon hơn, mang hương vị đặc trưng so với các vùng biển khác.
“Mực nhảy tươi ngon nhất, nhưng đang cháy hàng nên chúng tôi sẽ thay thế mực nhảy bằng mực tươi trữ đông, bán thêm cá, ghẹ… để phục vụ du khách đến với vùng biển này”, một chủ nhà bè cho biết.
Theo Thiện Lương (VietNamNet)