Sáng 26/5, Thai Airways (THAI) đã chính thức nộp đơn xin phá sản tại Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan.
Hành động này được đưa ra sau quá trình giám sát việc phục hồi tài chính do một hội đồng đặc biệt được Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thành lập.
Truyền thông Thái Lan đưa tin rằng các nhân viên pháp lý của hãng hàng không quốc gia đã nộp các tài liệu cho quá trình phá sản tại tòa án trên đường Chaeng Watthana. Dự kiến, tòa án sẽ phê duyệt yêu cầu phá sản của hãng bay này.
Việc nộp đơn xin phá sản là hành động tiếp theo trong việc thay đổi hoạt động của THAI, ngay sau việc bổ nhiệm 4 thành viên mới vào hội đồng quản trị.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ TTRW cho biết, tránh cho Thai Airways khỏi bị phá sản, chính phủ Thái Lan đã phê duyệt đề xuất về kế hoạch tái cơ cấu sâu rộng hãng hàng không quốc gia Thai Airways, dưới sự giám sát của Toà án Phá sản trung ương. Hiện Bộ Tài Chính và Ngân hàng trung ương Thái Lan đang là hai cổ đông lớn nhất của hãng hàng không này.
Dẫn lại tin từ Bangkok Post, tờ này bổ sung thêm, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết đây là quyết định tốt nhất để giúp Thai Airways vượt qua khó khăn. Thai Airways sẽ không nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ và buộc phải sa thải 20.000 nhân viên của hãng.
Thai Airways hi vọng sẽ có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong suốt quá trình tái cơ cấu. Điều này đồng nghĩa với việc các chuyến bay chở khách và hàng hoá vẫn có thể chạy theo lịch trình cho phép thế nhưng chưa rõ liệu có những dịch vụ nào mà Thai Airways cung cấp bị ảnh hưởng bởi kế hoạch tái cấu trúc này hay không.
Zing.vn cho hay, vào này 23/5, Bộ Tài chính Thái Lan đã bán hết 3,17% cổ phần cho Quỹ Vayupak 1, khiến THAI mất tư cách doanh nghiệp nhà nước. Các khoản nợ tồn đọng của hãng lên tới 200 tỷ baht, với 30% là nợ trong nước.
Tổng tài sản của Thai Airways vào khoảng 257 tỷ baht (tương đương 8,1 tỷ USD), nợ phải trả lên đến 245 tỷ baht (7,7 tỷ USD) tính đến cuối năm 2019.
Nợ bao gồm 74,1 tỷ baht (2,3 tỷ USD) trái phiếu, 46,5 tỷ baht (1,45 tỷ USD) nợ tài chính và 23,3 tỷ baht (730 triệu USD) vay dài hạn.
Kể từ năm 2013, Thai Airways liên tục báo lỗ doanh thu hàng năm. Dịch Covid-19 được là xem là "chiếc lá cuối cùng" đối với hãng hàng không vốn đã kiệt quệ thiếu sinh khí.
Hãng bay này cũng đã gặp khó khăn khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giá dầu biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các hãng hàng không giá rẻ.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Uttama Savanayana đưa ý kiến: "Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải sẽ giám sát Thai Airways vì đây là doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi đã thảo luận về việc xây dựng kế hoạch phục hồi, nhưng tất cả còn phụ thuộc vào quyết định của nội các. Chính phủ sẽ chọn giải pháp tốt nhất cho Thai Airways cũng như các bên liên quan. Các giải pháp đều đang được xem xét và sẽ được chính phủ kết luận".
Tuần trước, hãng hàng không Colombia Avianca tại Mỹ cũng đã nộp đơn xin phá sản theo Điều luật 11, sau động thái tương tự của hãng Virgin Australia trong tháng 4. Trong tháng 3, tại Anh, hãng bay Flybe cũng đã ngừng hoạt động vì những ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo Đoàn Thanh (Nguoiduatin.vn)