Có TPP, nhiều DN Nhật vẫn “e ngại” ở Việt Nam

15/10/2015 13:51:40

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chưa tận dụng được các cơ hội hợp tác đối với mỗi hiệp định thương mại đã ký kết cùng Việt Nam. Vì bản thân doanh nghiệp chưa hiểu biết về lợi ích hợp tác và còn “e ngại” trước những khó khăn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chưa tận dụng được các cơ hội hợp tác đối với mỗi hiệp định thương mại đã ký kết cùng Việt Nam. Vì bản thân doanh nghiệp chưa hiểu biết về lợi ích hợp tác và còn “e ngại” trước những khó khăn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.


Ngày 14/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản 2015 tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện nay có gần 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Gần một nửa trong số này hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo.

Các doanh nghiệp này bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam từ những năm 90, chủ yếu trong các ngành điện gia dụng, điện tử, xe ô tô, xe 2 bánh và các ngành linh kiện phụ tùng khác. Nhiều doanh nghiệp đã có thâm niên trên 20 năm trong lĩnh vực gia công, lắp ráp và xuất khẩu hàng hóa.

Ông Shimon Tokuyama chia sẻ, ban đầu doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam chỉ với mục tiêu đơn thuần là sản xuất và xuất khẩu. Nhưng càng ngày họ càng nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân.

“Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sang Việt Nam đều mong muốn mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Họ nhận thức tầm quan trọng của Việt Nam và hầu như không có ý định rút khỏi đây” - ông Shimon Tokuyama khẳng định.

Tuy nhiên, Chủ tịch JBAV cũng cho rằng, đầu tư ở Việt Nam còn có một số thách thức như thủ tục hành chính còn phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, cung cầu điện chưa ổn định.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chưa tận dụng được các cơ hội hợp tác đối với mỗi hiệp định thương mại đã ký kết cùng Việt Nam. Vì bản thân doanh nghiệp chưa hiểu biết về lợi ích hợp tác và còn “e ngại” trước những khó khăn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Cụ thể, ông Shimon Tokuyama cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có sự điều chỉnh tăng lương tối thiểu hợp lý hơn,quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cũng như cải cách các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư.

Bên cạnh đó, một khó khăn lớn mà doanh nghiệp Nhật gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam là thủ tục hành chính phức tạp, đường lối phát triển ngành công nghiệp ô tô chưa rõ ràng.

Tại diễn đàn, đại diện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng, với Hiệp định TPP, Chính phủ Nhật Bản sẽ có những chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp nước này mở rộng đầu tư sang Việt Nam.

Ông Katsuro Nagai – Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, cũng như bất cứ nước nào khi cải cách kinh tế để chuẩn bị mở cửa hội nhập, Chính phủ và người dân cần có định hướng rõ ràng về lĩnh vực nào ưu tiên.

"Theo chúng tôi được biết, ngành dệt may, thủy sản, nông nghiệp là ngành Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng sau TPP. Như vậy, Chính phủ đã định hình được lĩnh vực nào phát triển thì nên có sự ưu tiên. Ngược lại, sau TPP, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi nông nghiệp vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, nên Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Do đó, bản thân Chính phủ cần tăng nguồn lực trong nước để tăng sức cạnh tranh" - ông Katsuro Nagai nói.

Vị này cũng cho rằng, ngoài nông nghiệp thì ngành công nghiệp của Việt Nam cần được ưu tiên cao, nhất là những lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như phụ tùng ô tô.

Trong khi đó, bà Yuri Sato - Phó chủ tịch JETRO cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có mong muốn đầu tư ra nước ngoài, phần lớn đều lựa chọn Việt Nam. Trong số hơn 500 doanh nghiệp được tìm hiểu, có tới 130 công ty mong muốn đầu tư vào Việt Nam; trong khi chỉ có 78 doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thái Lan.

“Việt Nam muốn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cung cấp phụ tùng cho các nhà đầu tư nước ngoài thì phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều không thể thiếu. Chúng tôi sẽ kết nối doanh nghiệp Nhật với các doanh nghiệp Việt muốn bán các phụ tùng đó” – Đại diện JETRO chia sẻ.

Theo Thảo Anh (Cafef.vn)

Nổi bật