Đây là phát biểu của ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra giảm giá cước trên cả nước của các đoàn kiểm tra liên ngành hôm nay (11.2).
Ông Tuấn cho biết, việc “chạy” kê khai này thực chất là các hãng vận tải tuyến cố định chạy liên tỉnh, ví dụ từ tỉnh A sang tỉnh B. Họ kê khai giá cước tại tỉnh A, song, thấy tỉnh này quản lý chặt quá thì chạy sang tỉnh B kê khai nếu thấy sự quản lý giá cước lỏng lẻo hơn. “Sau khi phát hiện tình trạng này, chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan địa phương phối hợp rà soát chặt hai đầu tuyến để tiếp nhận việc kê khai giá cước của DN cho phù hợp”-ông Tuấn nói.
|
Các hãng vận tải chạy sang tỉnh khác nếu thấy tỉnh hiện tại quản lý chặt. Ảnh minh họa
|
Về kết quả giảm giá cước được công bố hôm qua, ông Tuấn cũng cho biết, vẫn còn có những đơn vị vận tải giảm giá chưa phù hợp, như kê khai giá với tỷ lệ giảm giá còn thấp, thậm chí chưa điều chỉnh giá.
Đơn cử, trên địa bàn Hà Nội có 3 hãng taxi và 2 DN vận tải tuyến cố định chưa giảm giá phù hợp, cần tính toán để giảm tiếp.
Khu vực phía Nam, HTX Vận tải đường bộ TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) có hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định và thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước.
Riêng với sai phạm tại HTX Vận tải đường bộ TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và đã làm thủ tục chuyển Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá.
>> Hà Nội: Giảm cước vận tải trước ngày 10/2
Theo Mai Hương (Dân Việt)