Cơ quan thuế phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu 'ăn gian' hóa đơn điện tử

06/12/2024 14:12:40

Dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã phát hành và truyền về cơ quan Thuế sai lệch với số lượt, số lượng hàng hóa đã bán. Cá biệt, có cửa hàng xăng dầu tại thời điểm kiểm tra không phát hành bất kỳ HĐĐT nào so với các log bán hàng đã ghi nhận tại cột đo.

Hàng loạt cửa hàng xăng dầu chưa chấp hành quy định về phát hành HĐĐT

Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các Cục trưởng Cục Thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đảm bảo mỗi tuần phải đạt ít nhất 50% số cửa hàng trên địa bàn được kiểm tra, giám sát.

Tổng cục Thuế cho biết, qua kiểm tra, các cửa hàng xăng dầu sử dụng máy POS/máy tính bảng đều chưa chấp hành đúng quy định về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Đoàn kiểm tra thực hiện kết xuất dữ liệu từng log bán hàng tại cột đo và so sánh với dữ liệu HĐĐT đã phát hành và truyền về cơ quan Thuế, kết quả đều phát sinh chênh lệch, không tương ứng với số lượt, số lượng hàng hóa đã bán. Cá biệt, có cửa hàng tại thời điểm kiểm tra, không phát hành bất kỳ HĐĐT nào so với các log bán hàng đã ghi nhận tại cột đo).

Theo Tổng cục Thuế, giải pháp máy POS/máy tính bảng có nhiều rủi ro trong việc thực hiện quy định phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, do dữ liệu, thông tin từng lần bán hàng để phát hành HĐĐT phụ thuộc công tác nhập dữ liệu thủ công của người bán hàng. 

Cơ quan thuế phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu 'ăn gian' hóa đơn điện tử
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục trưởng Cục Thuế tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng theo từng lần bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Ảnh: Hoàng Hưng

Giải pháp tối ưu nhất hiện nay là kết nối tự động: Dữ liệu, thông tin từng lần bán hàng được ghi nhận và chuyển tự động từ cột đo xăng dầu đến máy tính có kết nối mạng Internet để phát hành HĐĐT từng lần và chuyển dữ liệu HĐĐT tới cơ quan thuế, hạn chế sự tác động của con người. 

Gần 10.000 lượt kiểm tra, các Cục Thuế không phát hiện vi phạm

Tính đến hết tháng 10/2024, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan ban ngành tại địa phương thực hiện gần 10.000 lượt kiểm tra, giám sát việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. 

Tuy nhiên, phần lớn các Cục Thuế đều không phát hiện hành vi vi phạm quy định phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng hoặc có phát hiện nhưng chưa xử lý nghiêm theo quy định. 

“Công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả, chưa thúc đẩy các cửa hàng xăng dầu chuyển đổi sang áp dụng giải pháp kết nối tự động”, Tổng cục Thuế nhận định.

Tổng cục Thuế nghiêm khắc phê bình 10 Cục trưởng của Cục Thuế có tỷ lệ cửa hàng xăng dầu sử dụng máy POS/máy tính bảng cao nhưng đến hết tháng 9/2024 vẫn chưa tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phát hành HĐĐT từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Tổng cục Thuế giao các Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo toàn diện công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc thực hiện HĐĐT từng lần bán hàng đối với bán lẻ xăng dầu, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhằm mục tiêu chậm nhất đến hết tháng 6 năm 2025, toàn quốc đạt tỷ lệ ít nhất 95% cửa hàng sử dụng giải pháp kết nối tự động để phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Đây là một chỉ tiêu xem xét thi đua khen thưởng đối với cá nhân Cục trưởng. 

Tổng hợp báo cáo của các Cục Thuế cho thấy, đến nay, trên cả nước mới chỉ có khoảng 47% cửa hàng xăng dầu thực hiện giải pháp kết nối tự động. 14/63 địa phương có tỷ lệ các cửa hàng kết nối tự động đạt trên 80%. 23/63 địa phương báo cáo tỷ lệ cửa hàng kết nối tự động đạt dưới 40%. Đặc biệt một số địa phương rất thấp (dưới 30%) như: Bình Định (17%), Nam Định (19%), Sóc Trăng (19%), Bình Phước (20%), Đồng Tháp (20%)... 

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện số lượng doanh nghiệp cung cấp giải pháp thiết bị cột đo xăng dầu kết nối tự động (đã được phê duyệt mẫu) tăng từ 6 doanh nghiệp (thời điểm trước 31/3/2024) lên 17 doanh nghiệp và tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Mức giá chuyển đổi sang cột đo kết nối tự động đã cạnh tranh và giảm đáng kể so với thời gian đầu triển khai.

Thực tế tại một số địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi cần đầu tư 1 bộ trung tâm xử lý dữ liệu khoảng 20-30 triệu đồng và bộ nâng cấp kết nối dữ liệu điện tử tại cột đo khoảng trên dưới 10 triệu đồng/vòi bơm. Như vậy, một cửa hàng xăng dầu với 4 cột đo sẽ cần đầu tư khoảng 70-80 triệu đồng. 

Theo Bình Minh (VietNamNet)