Trong phiên đầu tuần (29/7), các chỉ số dao động trên vùng tham chiếu, tuy nhiên, biên độ tăng rất hẹp kèm thanh khoản thấp.
Tạm đóng cửa, VN-Index chỉ tăng 2,73 điểm tương ứng 0,22% lên 1.244,84 điểm; HNX-Index tăng 0,42 điểm tương ứng 0,18% và UPCoM-Index nhích nhẹ 0,3 điểm tương ứng 0,32%.
Thanh khoản HoSE chỉ đạt 231,75 triệu cổ phiếu tương ứng 5.484,35 tỷ đồng; trên HNX là 22,36 triệu cổ phiếu tương ứng 428,15 tỷ đồng và trên UPCoM là 18,13 triệu cổ phiếu tương ứng 273,69 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhà đầu tư tương đối thận trọng trong quyết định mua vào, bán ra.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá, với 199 mã tăng so với 181 mã giảm trên HoSE; 74 mã tăng so với 57 mã giảm trên HNX và 147 mã tăng so với 71 mã giảm trên UPCoM.
Theo thông tin trên báo Dân Trí, trong sáng nay, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai thoát sàn ngoạn mục. Mã này được "giải cứu" thành công với việc toàn bộ lệnh bán giá sàn nhanh chóng được hấp thụ toàn bộ ngay đầu phiên.
Sau khi giảm sàn về 5.890 đồng/đơn vị, mã này thậm chí có lúc đạt trạng thái tăng lên mức 6.690 đồng và hiện tại giảm 3,6% còn 6.100 đồng. Khớp lệnh tại QCG đạt 6,2 triệu đơn vị, trong đó có 3,9 triệu cổ phiếu được khớp ở mức giá sàn.
Ngược lại, hoạt động bán tháo vẫn diễn ra tại LDG. Thị giá cổ phiếu này chỉ còn 2.100 đồng, khớp lệnh đạt 2,7 triệu đơn vị nhưng dư bán sàn còn tới 14,3 triệu cổ phiếu.
Tương tự, nhà đầu tư cũng tháo chạy khỏi HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HALG Agrico) sau "hung tin" về việc HoSE sẽ hủy niêm yết đối với 2 mã cổ phiếu này.
HBC gần như mất thanh khoản khi khối lượng khớp lệnh cả phiên sáng chỉ đạt suýt soát 250.000 đơn vị, dư bán giá sàn còn tới 12,76 triệu cổ phiếu, thị giá còn 6.750 đồng. HNG khớp lệnh 2,26 triệu cổ phiếu nhưng dư bán sàn còn 10,45 triệu cổ phiếu, thị giá vỏn vẹn 4.340 đồng.
Theo VnExpress, diễn biến bán tháo ồ ạt cổ phiếu HBC, HNG diễn ra sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc hai mã này vào cuối tuần trước. Nguyên nhân cùng do kết quả kinh doanh thua lỗ những năm qua.
Lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ. Công ty này lỗ hai năm liền trước khi thị trường bất động sản "đóng băng" khiến nguồn thu giảm sút, nợ khó đòi dâng cao tạo gánh nặng trích lập dự phòng. Song song đó, thượng tầng công ty lại xảy ra cuộc "nội chiến".
Trong khi đó, HGAL Agrico lỗ liên tiếp do kinh doanh dưới giá vốn khi các mảng cây ăn trái và cao su có kết quả kém, trong khi chăn nuôi chưa mang lại thành quả lớn. Ngoài ra, công ty cũng có nhiều khoản nợ, tạo ra áp lực tài chính lớn.
Trong thông cáo cuối tuần trước, HBC cho biết sẽ chuyển niêm yết gần 347,2 triệu cổ phiếu sang UPCoM và hoàn tất trong tháng 8. Khác với HoSE, biên độ biến động giá cổ phiếu trên UPCoM lên đến 15% mỗi phiên. Nói với VnExpress ngày 27/7, ông Lê Viết Hải- Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC - cho rằng việc chuyển sàn giao dịch không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông. Cộng thêm việc Hòa Bình cam kết thực hiện nghĩa vụ không khác so với trước, ông Hải khẳng định giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng.
Còn với HGAL Agrico, tại phiên họp thường niên hồi tháng 5, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết đã lường trước kịch bản bị hủy niêm yết. Nhưng theo ông, điều này không đáng lo ngại. Ông Dương khẳng định dù chuyển sàn, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch và nếu thực hiện tốt, giá cổ phiếu vẫn có thể cải thiện.
PN (SHTT)