Cổ phiếu tăng mạnh
Chỉ trong thời gian ngắn, khoảng một tháng rưỡi, cổ phiếu THS của CTCP Thanh Hoa Sông Đà ghi nhận 23 phiên tăng trần, từ mức 6.200 đồng hôm 12/4 lên 51.600 đồng/cp như hiện tại.
Đây là mức tăng hiếm có, nhưng theo xu hướng tăng chung của các cổ phiếu ngành thép trong bối cảnh giá thép trong nước và thế giới tăng mạnh. Các doanh nghiệp thép liên tục báo giá thép tăng lên cả chục lần trong vòng một tháng.
Cổ phiếu Thép Tiến Lên (TLH) tăng hơn ba lần trong vòng khoảng 3 tháng qua, từ mức 6.000 đồng lên ngưỡng 20.000 đồng/cp. Thép Nam Kim (NKG) cũng tăng gấp 3 lần trong vòng 6 tháng. Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát tăng gần gấp đôi, từ mức 35.000 đồng/cp hồi cuối 2020 lên mức 65.000 đồng/cp. Cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG), SMC cũng tăng tương tự, gần gấp đôi.
Không chỉ ngành thép, cổ phiếu nhiều ngành khác cũng tăng bứt phá như nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...
Trong 6 tháng qua, cổ phiếu Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng gấp hơn 2 lần lên đỉnh cao lịch sử: 50.800 đồng/cp; cổ phiếu VPBank (VPB) tăng khoảng 2,5 lần, lên 67.800 đồng/cp hôm 21/5.
Trong lĩnh vực chứng khoán, cổ phiếu Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng tăng gần gấp đôi, lên gần 74.000 đồng/cp; cổ phiếu Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng cũng lập đỉnh mới: 39.000 đồng/cp (giá điều chỉnh)...
Gần đây, thị trường chứng khoán chịu áp lực chốt lời với nhiều mã cổ phiếu tầm trung và nhỏ quay đầu giảm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán vẫn tăng giá khá mạnh như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng.
Các cổ phiếu ngành tài chính tiếp tục lập đỉnh cao mới như Techcombank, VPBank, Chứng khoán Sài Gòn,... Trong mảng bất động sản, cổ phiếu Novaland tăng dữ dội và đang ở đỉnh cao chưa từng có: 140.000 đồng/cp (giá điều chỉnh).
Cổ phiếu Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng lập kỷ lục mới 113.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) sau khi công bố một loạt các thương vụ lớn.
Trong khi chỉ số VN-Index chùng lại trước ngưỡng 1.280 điểm thì chỉ số đo lường 30 cổ phiếu lớn nhất trên sàn VN30-Index đã nhanh chóng lập đỉnh cao lịch sử mới, vượt qua ngưỡng 1.400 điểm, tăng khoảng 30% so với đầu năm.
Trụ cột tăng mạnh, dòng tiền lớn đổ vào blue-chips
Theo Vietstock, VN30-Index tạo mẫu hình nến White Marubozu sau giai đoạn đi ngang trước đó cho thấy bên mua đang chiếm được ưu thế khá lớn. Khối lượng giao dịch tăng cao hơn những ngày trước và vượt mức trung bình 20 phiên chứng tỏ dòng tiền đang khá dồi dào.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, một số cổ phiếu ở ngành khác như thép, bất động sản, bán lẻ... đóng góp lớn cho đà tăng của chỉ số VN-Index.
Chẳng hạn như Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Cổ phiếu HPG nói riêng và ngành thép nói chung tăng mạnh gần đây là nhờ kết quả kinh doanh rất tốt. Trong quý I/2021, Hòa Phát ghi nhận lãi sau thuế cao đột biến hơn 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của Hòa Phát là xu hướng tăng phi mã của giá thép, bao gồm cả thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, hay tôn mạ, ống thép... Trong khi đó, HPG lại chủ động được nguồn quặng sắt.
Việc thiếu hụt nguồn cung thép trong khi sức cầu tăng mạnh nhờ kích cầu kinh tế trên khắp thế giới là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nhiều doanh nghiệp khác như Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Tiến Lên (TLH),... cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt.
Mặc dù cổ phiếu tăng mạnh và lập đỉnh cao lịch sử nhưng gia đỉnh tỷ phú Trần Đình Long vẫn tiếp tục mua vào. Ông Trần Vũ Minh, con trai ông chủ tịch HPG Trần Đình Long, đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu từ ngày 21/5 đến ngày 18/6. Nếu thành công, ông Minh sẽ bỏ ra khoảng 320 tỷ đồng và nâng số lượng cổ phần nắm giữ lên 53 triệu đơn vị, tương đương 1,6% cổ phần Hòa Phát. Hồi đầu 2020, ông Minh đã mua vào 40 triệu cổ phiếu HPG còn ông Long cũng mua thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu HPG.
Trong năm 2021, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận những bước đi đột phá và đây đều là những yếu tố giúp cổ phiếu blue-chips tăng mạnh.
Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa hé lộ kế hoạch muốn đưa đế chế The CrownX lên sàn chứng khoán sau khi các tích hợp kinh doanh giữa mảng tiêu dùng, chế biến thịt với hệ thống VinCommerce. Masan thực hiện những vụ tăng vốn khủng, bán 5,5% cổ phần The CrownX cho nhóm nhà đầu tư Alibaba, thu về 400 triệu USD. Tập đoàn này dự kiến hoàn tất một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 đến 400 triệu USD vào The CrownX.
Theo Bloomberg, Masan đang cân nhắc phowng án huy động 1 tỷ USD để đầu tư cho mảng thức ăn chăn nuôi thuộc Masan MeatLife (MML).
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gần đây lập đỉnh mới, vốn hóa bằng tổng nhiều ngân hàng gộp lại sau khi có thông tin mảng sản xuất ô tô VinFast dự kiến IPO tại Mỹ thu về 2-3 tỷ USD, kỳ vọng định giá đạt tối thiểu 50 tỷ USD sau niêm yết. Vingroup cũng vừa phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế với quyền chọn nhận cổ phiếu Vinhomes (VHM) giá 123.000 đồng/cp. Thông tin này cũng đẩy ông lớn bất động sản số 1 Việt Nam Vinhomes tăng mạnh.
Tại ĐHCĐ, Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn công bố tổng giá trị phát triển dự án của quỹ đất vào khoảng 45 tỷ USD và bổ sung thêm 10.000ha trong 10 năm tới, đồng thời khởi động mảng bất động sản công nghiệp đầy hấp dẫn. NVL dự kiến với 3 dự án BĐS trọng điểm sẽ thu về 2 tỷ USD lợi nhuận giai đoạn 2021-2023.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng thì báo lãi đột biến trong 2020 và quý I/2021 cũng như mục tiêu rất cao cho năm nay và cũng chứng kiến cổ phiếu tăng mạnh.
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, các tập đoàn tư nhân Việt đang bứt phá mạnh mẽ. Nhiều tập đoàn đầu tư những dự án lớn đầy triển vọng cùng với khả năng huy động vốn trong và ngoài nước ấn tượng. Nhiều đế chế mới đang hình thành với tầm vóc và quy mô tầm cỡ khu vực và trên thế giới. Giá cổ phiếu cũng tăng lên các đỉnh cao mà trước đó nhiều người không nghĩ tới. TTCK đang có dấu hiệu chịu áp lực chốt lời. Tuy nhiên, giá cổ phiếu nhiều tập đoàn tư nhân lớn được dự báo còn tăng và cơ hội để mua cổ phiếu blue-chips giá thấp còn rất ít.
Theo M. Hà (VietNamNet)