Cổ phiếu Masan tăng kỷ lục, vốn hóa tăng hơn 4.000 tỷ đồng sau chưa đầy 1 ngày

03/12/2019 19:00:40

Sau cái bắt tay lịch sử giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, giá cổ phiếu MCH đã tăng cao kỷ lục lên mức 80.000 đồng, kéo vốn hóa của Masan Consumer tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua lên mức 58.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan vừa cho biết đã đạt thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần tại VinCommerce và VinEco với Công ty Hàng tiêu dùng Masan. Ngay lập tức, cổ phiếu MCH của Masan Consumer đã có biến động lớn.

Đầu phiên giao dịch sáng nay (3/12), cổ phiếu MCH vẫn giao dịch ở mức giá tham chiếu so với phiên hôm qua 74.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin trên được loan đi, cổ phiếu MCH đã tăng vọt tới 7,5%.

Cổ phiếu Masan tăng kỷ lục, vốn hóa tăng hơn 4.000 tỷ đồng sau chưa đầy 1 ngày
Cổ phiếu MCH của Masan Consumer tăng vọt sau tin sáp nhập

Hiện tại, thị giá cổ phiếu MCH đã lên mức 80.000 đồng, tăng 5.600 đồng so với cuối phiên hôm qua. Đây cũng là mức tăng kỷ lục của cổ phiếu này từ đầu năm 2019.

Nhờ cổ phiếu tăng giá mạnh, chỉ sau chưa đến một ngày, vốn hóa của Masan Consumer đã tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua lên mức 58.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup (công ty mẹ của Công ty VinCommerce và Công ty VinEco) vẫn giao dịch ở mức giá tham chiếu, hiện đạt 115.000 đồng/cổ phiếu.

Như đã đưa tin, sáng 3/12, Tập đoàn Vingroup đã phát đi thông cáo cho biết, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.

Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần sở hữu trong VinCommerce và VinEco thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Tại công ty mới, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động và Vingroup giữ vai trò là cổ đông.

Sau sáp nhập, công ty mới sẽ sở hữu hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+, cùng 14 nông trường công nghệ cao VinEco.

Về phía Masan, sau khi tiếp quản mảng bán lẻ từ Vingroup, tập đoàn sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi từ Vingroup. Toàn bộ nhân viên của VinMart và VinMart+ cũng sẽ tiếp tục các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Sau thương vụ, Masan sẽ tập trung làm bán lẻ và Vingroup tập trung làm ôtô - điện thoại…

Theo Sơn Ca (Nguoiduatin.vn)