Những tin đồn xấu về việc hủy triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) và lãi suất điều hành tăng trở lại tạo áp lực tâm lý kéo theo thanh khoản tăng đột biến ngay trong phiên giao dịch sáng nay, đẩy giá trị khớp lệnh HoSE lên hơn 28.200 tỷ đồng. Áp lực bán tập trung ở các mã vốn hoá lớn, riêng giá trị giao dịch của FPT đã lên tới 1.762 tỷ đồng. DGC, HPG cũng giao dịch trên 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. DCG giảm tới 5,4%.
Kết phiên giao dịch, 10 mã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất lấy đi gần 10,5 điểm của chỉ số chính. Dẫn đầu là GVR. VPB, HVN, FPT, MSN, BID, GAS, CTG… lần lượt theo sau. Rổ VN30 chỉ còn duy nhất POW giữ sắc xanh, tăng 2%.
Việc đồng loạt các cổ phiếu trụ bị xả mạnh là nguyên chính chính đẩy VN-Index giảm sâu. Số ít cổ phiếu có giao dịch tích cực như HNG, ITA,… dù trong nhóm dẫn dắt thị trường, nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến chỉ số, do vốn hoá hạn chế.
Một số cổ phiếu ghi nhận áp lực bán tháo, đặc biệt tại nhóm chứng khoán. BSI, CTS, VDS, TVS giảm sàn. Ngoại trừ BSI, 3 cổ phiếu còn lại trắng bên mua, đến hết phiên còn cả trăm nghìn đơn vị chờ bán giá sàn.
HVN của Vietnam Airlines cũng bất ngờ bị xả mạnh, rơi về giá sàn. Gần 450 nghìn cổ phiếu dư bán sàn. Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với giao dịch tích cực gần đây của HVN, thường xuyên là nhân tố thúc đẩy chỉ số chính tìm về đỉnh cũ. Vừa qua, HVN còn ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ từ cuộc họp đại hội cổ đông, đặt mục tiêu kinh doanh cao nhất lịch sử, dự kiến phát hành thêm cổ phiếu.
Cổ phiếu các ngành từ vốn hoá lớn nhất như ngân hàng, đến các mã thanh khoản cao, có sức ảnh hưởng như bất động sản, hoá chất, công nghệ, dầu khí… đều giao dịch hết sức tiêu cực.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 27,9 điểm (2,18%) xuống 1.254,12 điểm. HNX-Index giảm 4,62 điểm (1,89%) xuống 239,74 điểm. UPCoM-Index giảm 1,52 điểm (1,51%) xuống 99,06 điểm.
Thanh khoản tăng vọt trước áp lực bán mạnh, giá trị khớp lệnh HoSE lên hơn 28.200 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài sau đợt tái cơ cấu ETF vẫn tiếp đà bán ròng 906 tỷ đồng, tập trung chủ lực vào FPT (589 tỷ đồng), cùng với NLG, SSI, HDB, VRE…
Theo Việt Linh (Tiền Phong)