Cổ phiếu doanh nghiệp sở hữu Zalo lao dốc, mất bay 15%

06/09/2024 14:56:49

Cổ phiếu VNZ của CTCP VNG - chủ sở hữu mạng xã hội Zalo lao dốc sau khi áp lực bán bất ngờ tăng vọt vào đầu giờ chiều.

Áp lực bán tăng vọt ngay đầu giờ chiều 6/9, khiến cổ phiếu VNZ của CTCP VNG có lúc giảm sàn, mất 77 nghìn đồng (tương đương gần 15%) xuống 437.800 đồng/cp.

Như vậy, giá cổ phiếu VNZ đã xuống mức rất thấp nếu so với giá kỷ lục hơn 1,56 triệu đồng/cp ghi nhận vào sáng 16/2/2023.

Vốn hóa của CTCP VNG, do ông Lê Hồng Minh là tổng giám đốc, tụt giảm xuống còn 12.500 tỷ đồng. Thời đỉnh cao, vốn hóa của VNG đạt 55,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).

Tới 13h35' chiều 6/9, cổ phiếu VNZ hồi phục nhẹ, còn giảm 55.000 đồng xuống 460.000 đồng/cp. Trong phiên sáng, có lúc VNZ tăng lên mức 520.000 đồng/cp.

Cổ phiếu kỳ lân công nghệ Việt VNG là một trong những mã chứng khoán có biến động mạnh. VNG từng tăng trần 11 phiên liên tiếp hồi đầu năm 2023 khi mới lên sàn chứng khoán, từ mức giá tham chiếu ban đầu 240.000 lên hơn 1,56 triệu đồng/cp - trở thành cổ phiếu có giá cao nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu doanh nghiệp sở hữu Zalo lao dốc, mất bay 15%
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp liên quan tới VNG dự định lên sàn chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó giảm mạnh, có khoảng thời gian giảm tới 40% so với mức giá kỷ lục.

Khi giá cổ phiếu lên cao, ông Lê Hồng Minh từng lọt top 30 những người giàu nhất trên sàn chứng khoán và xếp thứ hai top doanh nhân công nghệ giàu nhất, chỉ sau ông Trương Gia Bình (chủ tịch FPT - người hiện có 11.600 tỷ đồng) và xếp trên các ông bà: Bùi Quang Ngọc (phó chủ tịch FPT), Trương Thị Thanh Thanh (nguyên thành viên HĐQT FPT).

VNZ được xem là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam, một startup công nghệ có mức định giá trên 1 tỷ USD. 

Mặc dù quay đầu giảm khá mạnh, bốc hơi khoảng 70% kể từ mức đỉnh, nhưng VNZ vẫn là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 20 năm qua.

Vốn hóa của VNZ hiện ở mức khoảng 12.500 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức định giá 1 tỷ USD hồi năm 2014 và mức 2,2 tỷ USD theo định giá của Quỹ đầu tư Temasek thuộc Chính phủ Singapore hồi năm 2019.

Việc định giá công ty công nghệ không theo cách tính thông thường. Trên thế giới, nhiều trường hợp thua lỗ lớn nhưng vẫn được định giá rất cao.

Thời điểm lên sàn, VNZ có cơ cấu cổ đông cô đặc với cổ đông nước ngoài nắm 49%; CTCP Công nghệ Big V (19,8%) và ông Lê Hồng Minh 9,84%. 

VNG đang có nhiều dự án lớn, trong đó đứng đầu về lĩnh vực trò chơi và quảng cáo trực tuyến. Trong khi đó, ZaloPay được định hướng trở thành ví điện tử số 1 tại Việt Nam. Trung tâm dữ liệu VNG Data Center cũng là dự án rất được kỳ vọng.

Trong năm 2023, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.593 tỷ đồng, lỗ hơn 2.100 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, thanh khoản vẫn khá yếu. Nhóm cổ phiếu trụ cột phân hóa. Chỉ số VN-Index đi ngang, ở mức 1.268 điểm.

Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng chùng lại và không còn là trụ đỡ cho thị trường.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)

Nổi bật