Có nên liên tục lao vào 'cơn sốt' vàng?

07/03/2024 06:48:02

Giá vàng miếng SJC vẫn trong “cơn” tăng lập đỉnh 81 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn mỗi ngày thiết lập một đỉnh cao mới. Theo các chuyên gia, giá vàng diễn biến khó lường và nhà đầu tư nên bình tĩnh không nên lao vào “cơn sốt” vàng bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhộn nhịp mua bán đủ thể loại

Suốt từ đầu năm đến nay, cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn đều liên tục tăng giá. Chỉ trong vòng 5 ngày, giá vàng miếng 2 lần lên mốc 81 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn liên tục tăng và mỗi ngày lập kỷ lục mới. Hiện, giá vàng nhẫn sát mốc 69 triệu đồng/lượng.

Những ngày này, tại các cửa hàng vàng thương hiệu lớn, người dân tấp nập mua bán. Nhiều người mua vào bất chấp giá lên đỉnh và cũng không ít người bán ra chốt lời.

Ngoài vàng nhẫn, vàng miếng, xuất hiện một loại vàng mới với tên gọi khá lạ: vàng “cục” (còn gọi là vàng nguyên liệu). Bất ngờ hơn vàng này cũng được người dân đón nhận. Không ít người cho rằng “đã là vàng thì kiểu gì cũng tăng”.

Có nên liên tục lao vào 'cơn sốt' vàng?
Vàng “cục” 15 lượng có giá 1 tỷ đồng

Tại con phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) những cửa hàng nhỏ tưởng chừng bị lãng quên nay cũng bắt đầu nhộn nhịp. Tại một cửa hàng vàng với diện tích chỉ khoảng 10m2 được bày trong tủ kính với các sản phẩm chế tác như: nhẫn, dây chuyền, khuyên tai… 5 vị khách đi vào đã không còn chỗ đứng. Phía cuối cửa hàng là lò nung vàng đỏ lửa.

Khi khách hỏi mua vàng “cục”, chủ cửa hàng bảo “vàng loại này thấp hơn nhiều so với vàng miếng SJC và vàng nhẫn, giá 66,5 - 66,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra”.

Dường như đã quá quen thuộc việc mua bán vàng “cục” ở đây, một vị khách nói “giá vàng ở đây rẻ hơn vàng miếng SJC và vàng nhẫn nhưng giá vẫn tăng” rồi chuyển khoản hơn 1 tỷ đồng vào tài khoản chủ cửa hàng và nhận 15 lượng vàng vừa được cân.

Cuối ngày 6/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Tại Bảo Tín Minh Châu mỗi lượng vàng nhẫn trơn niêm yết ở mức 67,4 - 68,6 triệu đồng mua vào - bán ra. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh

Theo các chuyên gia, bên cạnh giá vàng trong nước tăng liên tục trong thời gian qua giá vàng thế giới tăng còn bởi cung cầu thị trường, diễn biến kinh tế, tâm lý đẩy giá vàng tăng nhanh hơn. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác chưa tạo ra nhiều triển vọng nên nhà đầu tư đi săn lùng vàng, mua vào để bảo toàn vốn, tạo áp lực lên giá vàng. Ngoài ra, yếu tố lạm phát chưa được giải quyết, khiến người có ít vàng cũng mua thêm và ai chưa có vàng cũng tích cực mua vào để tích trữ.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng thời điểm này đang “lấp lánh” nhưng tránh việc đổ xô vào đầu tư vàng bởi giá biến động khó lường. Thị trường vàng trong nước chịu ảnh hưởng từ sự biến động của vàng thế giới. Tuy nhiên, giá vàng còn có những yếu tố vĩ mô khác tác động như GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thị trường bất động sản...

Theo đó, người mua vàng cần theo dõi những biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới và Việt Nam. Ngoài ra, người dân hay doanh nghiệp đều không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, nên phân bổ số tiền mình có, hợp lý nhất là đầu tư 1/3 số tiền cho vàng. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên vay tiền mua vàng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại Cty CP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng vàng. “Quan điểm của tôi là nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng vàng vì chênh lệch giá mua bán đang rất lớn.

Khi người dân quay cuồng trong “cơn sốt” vàng, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, cơ quan chức năng phải có động thái để cho dân không muốn giữ vàng nữa.

“Mấu chốt của việc huy động vốn nằm ở lòng tin của người dân. Khi người dân thấy hành động để vốn “chôn” trong vàng không có lợi bằng đem tiền ra đầu tư vào nền kinh tế sẽ hạn chế mua vàng. Quan trọng hơn cả vẫn là các giải pháp xây dựng, bảo đảm được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, sôi động nhưng ổn định, bền vững để người dân yên tâm đầu tư sản xuất”, ông Hòe nói.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)

Nổi bật