Tuy nhiên, có một sự thật khác đã diễn ra tại Cà Ná, Phước Diêm- nơi dự kiến triển khai dự án thép Hoa Sen Cà Ná.
Dân phản đối thép, chính quyền làm ngơ
Phóng viên đã đến gặp người dân tại hai xã Cà Ná, Phước Diêm thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Thuận để xem họ có đồng thuận với dự án thép Hoa Sen Cà Ná hay không. Đáp án là có, nhưng...
Chợ cá Cà Ná vẫn hoạt động |
"Chỉ có những người ăn không ngồi rồi mới mong dự án thép để có tiền đền bù đất. Đất ở đây từ khi có dự án làm muối thì đâu trồng được cây cối nên đâu làm được gì. Những người đó sung sướng thì chúng tôi đau khổ. Chúng tôi sống bằng nghề biển nên mong các ngành các cấp đừng cho tập đoàn Hoa Sen về làm thép ở đây!"- Bà Nguyễn Thị Răng, một phụ nữ sống tại thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná cho biết.
Người dân nơi đây cũng nói rằng cha mẹ họ đã dạy con qua nhiều đời nay. "Có cá mới sống, không cá là chết!"
Bà Phạm Thị Mùi ở thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm nói bà xem các tác hại của Formosa và rất lo lắng khi nghe tin tập đoàn Hoa Sen làm thép. Bà nói: "Chúng tôi chọn cá, chọn nước chứ không chọn thép. Dân chúng tôi không muốn thép! Chúng tôi cầu mong chính phủ để cho chúng tôi có cá để đánh bắt, để trả nợ ngân hàng (vay đóng tàu-PV), cho con cháu chúng tôi được sống yên ổn."
Nhiều người dân Phước Diêm, Cà Ná cho biết việc phản đối làm dự án thép Cà Ná là việc chắn chắn họ sẽ làm. Vào năm 2008, khi dự án thép Vinashin- Lion (cũng dự định đặt tại Phước Diêm) thì người dân cũng đã rầm rộ phản đối.
Và có một điều rất kỳ lạ là người dân hai xã Cà Ná, Phước Diêm- nơi mà cả tập đoàn Hoa Sen và tỉnh Ninh Thuận đang dự kiến làm dự án thép lại chẳng nhận được thông tin gì. Khoảng 30 người dân mà phóng viên gặp đều khẳng định chính quyền xã không thông báo gì cho họ dù dân hai xã đã ba lần kéo lên trụ sở để thắc mắc. Dân muốn lên huyện Thuận Nam hay vào Phan Rang để hỏi UBND tỉnh nhưng xã không cho.
"Cá!"
Ngư dân Nguyễn Dắn, ngư dân lâu năm tại địa phương nói: "Tôi mong chính quyền Ninh Thuận và Chính phủ phải cứng rắn với dự án thép. Nơi đây chỉ có nắng và gió để làm muối, đến mùa khô hạn thì nước không đủ cho bà con dùng và cứu hạn thì tại sao lại ưu tiên nước cho dự án thép? Tôi phản đối dự án thép vì không chỉ cho bản thân mình, cho bà con Cà Ná, Phước Diêm mà còn cho đời con, đời cháu chúng tôi!"
Chợ cá Cà Ná vẫn còn hoạt động nhưng vẫn còn đó nỗi lo về dự án thép. |
Đại diện gia đình có truyền thống làm nước mắm 50 năm, ông Lê Lâm dẫn phóng viên đến xem xưởng nước mắm đang đóng cửa của mình. Xưởng phủ một lớp bụi dày, các hầm ủ mắm cạn trơ, máng nhện đóng đầy khắp nơi. "Từ năm 2010 đến nay kiếm cá cơm, cá nục khó hơn rất nhiều, giá cá làm nước mắm tăng cao quá sức chịu đựng của tôi. Nay nếu thêm tập đoàn Hoa Sen về làm thép thì tôi nghĩ chỉ còn có cách ăn muối mà sống."- ông Lê Lâm nói.
Ông Huỳnh Hùng Dũng, một chủ ghe nhiều đời đi biển thì cho rằng đời sống của người dân nơi đây gắn bó, sinh tồn cùng với biển. Ông Dũng nói chính ông cũng đã nghe về câu chuyện Formosa nên không mong có dự án thép nào xuất hiện tại quê hương mình.
Để kiểm chứng lần nữa, phóng viên đã đến cảng cá Cà Ná khi nơi này đang tấp nập thuyền ghe chuyển cá vào bờ và hỏi rất nhiều người có mặt tại đó cùng một câu: "Vậy cuối cùng bà con chọn cá hay chọn thép?".
Tất cả đều đáp lớn: "Cá!"
Theo Mai Quốc Ẩn (Dân Việt)