Chuyển tiền nhầm cần làm gì?
Bước 1: Thông báo ngay cho ngân hàng
Nếu không may chuyển tiền vào nhầm tài khoản, người dùng cần thông báo ngay cho ngân hàng để tra soát giao dịch.
Nếu xác minh việc giao dịch là nhầm lẫn, ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản mà bạn đã chuyển tiền nhầm và yêu cầu họ chuyển hoàn lại.
Thông thường, ngân hàng sẽ mất 30-45 ngày để tra soát giao dịch.
Bước 2: Gửi thêm các khoản tiền nhỏ cho số tài khoản chuyển nhầm
Người dùng sau khi thông báo với ngân hàng, người dùng có thể tiếp tục gửi thêm các khoản tiền nhỏ với nội dung nhờ họ liên lạc lại, cho người nhận tiền nhận được thông tin. Nội dung chuyển tiền thường ngắn gọn, giới thiệu cho họ biết mình là người gửi nhầm kèm số điện thoại để họ liên lạc lại.
Trong trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chủ động liên hệ lại và 2 bên tự giải quyết, cần báo lại với ngân hàng.
Tuy nhiên, trường hợp người nhận được tiền không liên hệ lại, người dùng tiếp tục chờ thời gian để ngân hàng tra soát giao dịch.
Người được chuyển nhầm không trả lại có thể bị khởi tố
Trường hợp 1: Nếu tài khoản thụ hưởng đã chuyển nhầm vẫn còn đủ số dư khả dụng, tiền sẽ được hoàn lại vào tài khoản của người chuyển nhầm.
Trong trường hợp người được chuyển nhầm đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả, phía ngân hàng buộc phải liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như tòa án, công an để có hướng giải quyết là thu hồi lại số tiền.
Trường hợp 2: Nếu ngân hàng không liên hệ được với người nhận qua số điện thoại, người chuyển tiền có thể yêu cầu ngân hàng liên hệ qua địa chỉ hoặc thông báo qua tài khoản internet banking (nếu có).
Nếu người nhận cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả thì bạn có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân của người nhận để khởi kiện đòi lại tiền hoặc làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an để tiến hành điều tra.
Việc người nhận được tiền chuyển nhầm cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả thì có dấu hiệu của hành vi "chiếm đoạt tài sản trái phép", sẽ bị xem xét xử phạt hành chính theo điều 15 (vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác), nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Hoặc áp dụng biện pháp hình sự về tội "chiếm giữ trái phép tài sản của người khác", theo điều 176 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng, cùng với đó là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu sau khi điều tra có dấu hiệu người này đã sử dụng hết số tiền mà bạn đã chuyển nhầm thì sẽ xem xét thêm tội "sử dụng trái phép tài sản của người khác", đã được quy định tại điều 177 Bộ luật hình sự 2015.
Người nhận được tiền chuyển nhầm cần làm gì?
Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận cần lưu ý: Không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc.
Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.
Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
PN (SHTT)