Lần cuối cùng tôi gặp và phỏng vấn ông trong chương trình "Vì khát vọng Việt 2013" do Công ty CP Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tổ chức vào tháng 11-2013 ở Hội trường Thống Nhất (TP HCM).
Từ đó bặt tin nhau nhưng tôi chưa bao giờ thôi quan tâm, tìm hiểu về ông. Và cũng chỉ có một số rất ít người gặp được ông chủ Trung Nguyên hơn 4 năm qua. Thậm chí, ngay cả người nhà cũng chẳng tiếp xúc được "vua cà phê" nữa là...
Trong số đó có bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ ông Vũ - người ở hậu cứ nhưng có vai trò đồng sáng lập cũng là đồng sở hữu thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam!
Nhưng đó là chuyện nội bộ của Trung Nguyên, chuyện riêng của gia đình ông Vũ và bà Thảo, dù người đời tò mò nhưng cũng đã có sự tôn trọng cần thiết trong một thời gian dài.
Song những ngày qua, chuyện nhà của họ được mở ra, xới lên, để thiên hạ trông vào và bàn tán. Có lẽ nút thắt được mở từ hôm 21-3 khi Tòa Kinh tế TAND TP HCM tuyên nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (TNH) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm chủ tịch HĐQT thắng kiện, buộc bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo trả lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà bà Thảo đã "chiếm đoạt" của TNH từ tháng 10-2015.
Bà Thảo chưa thể cãi thắng tòa song những ai theo sát hành trình hơn 20 năm tuổi của Trung Nguyên đến bây giờ đều biết rằng sự thật đầy đủ không phải như vậy. Trong lúc vụ ly hôn ra tòa đã bao lần vẫn còn dây dưa chưa dứt, ngày nào chưa kết thúc như nguyện vọng thì ngày đó bà Thảo còn rất mệt mỏi, thì nay thêm cái "án" tai tiếng "chiếm đoạt con dấu", hẳn áp lực ấy đã dồn nội tướng của Trung Nguyên vào chân tường, buộc phải nói lên sự thật, dù mới chỉ là một phần, chủ yếu là để trải lòng mình.
Những gì bà Thảo đã giãi bày trên một số tờ báo, tin hay không là quyền của mỗi người. Ít ra, cũng phải cảm ơn bà Thảo vì đã chịu lên tiếng, để hé mở phần nào về một câu chuyện bí ẩn mà số đông trong xã hội đang rất cần biết. Ấy nhưng, một bộ phận không nhỏ thiên hạ đã "ném đá" không thương tiếc nữ doanh nhân này bằng những lời lẽ chì chiết nặng nề; "ném đá" cả những tờ báo thực hiện bài phỏng vấn. Trong số ấy có rất nhiều người là phụ nữ, mà - lẽ ra, theo quy luật tự nhiên - thường phải cảm thông cho người đồng giới, đồng thiên chức của mình phần nào. Cuộc đời thật là cay đắng!
Và, một số "thuyết âm mưu" đã được dựng lên, gây hoài nghi. Người ta vin vào "thương hiệu quốc gia" của Trung Nguyên để dẫn dắt rằng sự lên tiếng từ phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa qua là vì có một kế hoạch phá hoại Trung Nguyên, đánh đổ hàng Việt. Cũng không loại trừ hoàn toàn nhưng nếu có chăng thì là từ những đối thủ cùng ngành của thương hiệu cà phê dẫn đầu này; hoặc là từ những kẻ theo đóm ăn tàn, dứt khoát không thể đến từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo - một người cũng sống chết với cà phê, là người vợ tào khang tần tảo có 4 mặt con với chính ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm qua.
Cần nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, công bằng. Cơ nghiệp Trung Nguyên là do vợ chồng ông Vũ - bà Thảo tạo dựng, nhiều tài sản do 2 người đồng sở hữu, gia đình và con cái là của riêng họ, hà cớ gì người vợ phải giành giật, chẳng lẽ lại tranh đoạt với... chính mình sao? Hãy thử đặt mình vào vị trí của người phụ nữ như thế để xem bản thân có chịu áp lực nổi hay không rồi phán xét! Cho nên, đáng khinh thay những kẻ cơ hội đứng sau giật dây để nội bộ nhà người đi từ rối ren đến phân rã hòng hiện thực hóa mưu đồ làm suy yếu đối thủ theo kiểu "bất chiến tự nhiên thành"!
Cà phê là chất giúp tỉnh táo. Tinh thần xuyên suốt của Trung Nguyên là sáng tạo. Rất mong những người đang nắm giữ số phận thương hiệu danh giá, đáng quý này thật "tỉnh" và "sáng". Và người ngoài cũng làm ơn đừng can dự vào nữa!
Theo Cát Tường (Nld.com.vn)