Xen lẫn các khu dân cư sầm uất ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM là các nghĩa trang hình thành từ trước năm 1975. Năm 2013, UBND TP.HCM đã có quyết định đóng cửa các nghĩa trang này để xây dựng công viên, chợ, các công trình công cộng, nhưng đến nay các ngôi mộ vẫn còn nằm đó.
Nghĩa trang tập trung ở các tuyến đường số 42, số 7, số 39 và đường số 3 của phường Bình Trưng Đông. Hàng ngàn ngôi mộ nằm xen lẫn nhau, cỏ, cây dại mọc um tùm. Bên ngoài, rác thải vứt ngổn ngang. Những phần mộ đã được di dời, người dân tận dụng để trồng rau cải, rau khoai…
Xen lẫn các phần mộ là những căn nhà phố khang trang, xây ba bốn lầu. Có căn nhà, 3-4 ngôi mộ nằm đối diện trước cửa ra vào. Mộ người mất nằm chiếm hết không gian, một số gia đình phải kê bàn ghế đá ngoài nghĩa trang ngồi uống trà, trò chuyện với nhau.
Căn nhà thuê hai lầu của vợ chồng bà Hà, 56 tuổi, nằm sát nghĩa trang Văn Giáp. Bước lên lầu hai, mở cửa ra, hàng trăm ‘căn nhà’ của người đã khuất nằm trước mặt.
Bà Hà cho biết, sống ở đây đã hơn 2 năm. Khi mới chuyển đến, mỗi ngày bà phải mua hương về thắp cho người mất vì sợ ma. Còn hiện tại, bà đã quen với cuộc sống ở cạnh người chết.
Điều mà bà Hà và người dân ở xung quanh nghĩa trang Văn Giáp rùng mình là vào dịp Thanh minh (tức tháng 3 âm lịch). Khi đó, thân nhân của người mất trong nghĩa trang thực hiện việc di dời các phần mộ, giao mặt bằng cho chính quyền. Mùi tử thi bốc lên, tỏa khắp nơi.
‘Ngày nào người ta cũng bốc mộ. Mùi hôi rình. Căn bếp nhà tôi ở trên lầu hai, mùi hôi xộc vào rất khó chịu, tôi không ăn nổi cơm’, bà Hà nói và cho biết, vì căn nhà đang ở được chủ cho thuê với giá rẻ, phù hợp với thu nhập của hai vợ chồng, bà không muốn rời đi.
Cách đó không xa, căn nhà phố của vợ chồng bà Ngọc, 51 tuổi cũng nằm đối diện với nghĩa trang Văn Giáp. Mảnh đất này do bố mẹ chồng bà mua từ trước năm 1975. Sau này, ông bà cho vợ chồng con trai ở.
Trước đây, ở phường Bình Trưng Đông dân còn thưa, xung quanh chủ yếu là đất trống, đồng ruộng, đầm lầy. Dân địa phương có người mất thì đưa ra trước nhà (hiện là nghĩa trang Văn Giáp) chôn cất. Lâu dần nơi đây thành nghĩa địa. Các ngôi mộ mọc lên ngày càng nhiều, chật kín.
Bà Ngọc cho biết, chỉ khoảng 1-2 năm nay, tình trạng các con nghiện vào nghĩa trang hút chích mới dứt hẳn, vì có lực lượng tuần tra của phường kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trước đây, cứ tối đến, các con nghiện vào nghĩa trang chút chích, quậy phá. Phê thuốc, họ leo lên các phần mộ của người mất nằm ngủ. Kim tiêm, đồ ăn, rác thải vất đầy ở khắp nghĩa trang.
‘Nhiều người sợ ở cạnh người mất, nhưng tôi thì không. Trước đây, tôi chỉ sợ gặp phải người nghiện, dẫm phải kim tiêm. Còn bây giờ thì sợ mùi hôi của tử thi vào tháng người ta đồng loạt bốc mộ’, bà Ngọc bày tỏ.
Bà cũng cho biết, gia đình bà trước đây cũng chôn cất người thân trong nghĩa trang. Thực hiện chủ trương, vận động của cán bộ phường, gia đình bà đã chủ động di dời mộ.
Theo thống kê của UBND quận 2, hiện trên toàn quận có tổng cộng 18 nghĩa trang, với 16.100 ngôi mộ, chiếm tổng diện tích 12,6 ha đất. Hầu hết các nghĩa trang nằm xen lẫn trong khu dân cư. Hiện có 16 nghĩa trang đã ngưng chôn cất.
Cũng theo thông báo của quận này, các nghĩa trang trên địa bàn nằm giáp ranh với khu dân cư, không có khoảng cách ly. Kết quả phân tích chất lượng nước ngầm các giếng nằm ở vị trí tiếp giáp nghĩa trang cho thấy nhiễm vi sinh, kim loại nặng, tuy mực nước chưa trầm trọng nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, hầu hết nghĩa trang không có người trông coi nên việc người dân vứt rác bừa bãi, cỏ mọc um tùm gây mất vệ sinh.
Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông cho biết, ở phường có bốn nghĩa trang lớn là: Văn Giáp, Kiến An - Ngọc Nữ, Cây Cám và Đất Thánh Mỹ Hòa - Tân Lập. Đến nay, phường mới vận động được người dân di dời 1374/3942 ngôi mộ ở nghĩa trang Văn Giáp. Ba nghĩa trang còn lại người dân đã thực hiện việc: không còn chôn cất thêm nữa.
Theo ông chủ tịch phường Bình Trưng Đông, hiện địa phương đang tiếp tục vận động thân nhân của người quá cố ở nghĩa trang Văn Giáp di dời mộ. Việc di dời này sẽ được hỗ trợ kinh phí theo quy định của nhà nước, tùy vào kinh phí ban đầu người dân bỏ ra. Hầu hết người dân đã đồng tình với việc này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không đồng tình, hoặc việc di dời thường diễn ra vào tháng Thanh minh nên đã có các bất cập.
'Vị trí các nghĩa trang hiện tại, sau khi di dời sẽ làm các công trình công cộng: công viên, chợ, các công trình tiện ích khác. Phường Bình Trưng Đông tương lai sẽ có những khu đô thị sầm uất. Việc di dời nghĩa trang sẽ mang nhiều lợi ích cho người dân.
Việc các nghĩa trang nằm trong khu dân cư sẽ có những hệ lụy không nên. Tôi mong người dân hãy đồng tình ủng hộ việc di dời mộ để có không gian sống xanh, sạch, đẹp, văn minh', thông qua VietNamNet, ông Lành nhắn nhủ đến người dân phường mình.
Theo Diệu Thuần (VietNamNet)