Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đến nay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng (là Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) và Ngân hàng Đông Á).
Hiện, NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Đối với trường hợp NHTMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022, NHNN đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.
Hiện NHNN đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phương án tăng vốn điều lệ ngân hàng lớn
NHNN cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt; chỉ đạo Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng là một nội dung được quan tâm tại các đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của nhiều ngân hàng vừa diễn ra.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém và trình lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chờ phê duyệt.
Lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém.
Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội - MB cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó. Tuy nhiên, danh tính ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc không được tiết lộ.
Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước; tiếp tục ủy quyền cho HĐQT thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan bao gồm sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung cụ thể, quyết định, ký các văn bản… thực hiện các công việc liên quan đến HDBank nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần.
Chú ý các nguy cơ chuyển nợ xấu
NHNN cũng đã tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2022 ở mức 2%.
Trong tháng 2-2023, toàn hệ thống các TCTD xử lý được 21,3 ngàn tỉ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15-8-2017) đến cuối tháng 1-2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 ngàn tỉ đồng nợ xấu.
Đến cuối tháng 2-2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2 % vào cuối năm 2022).
Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỉ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.
Theo Dương Ngọc (Nld.com.vn)