Giá xăng dầu thế giới tăng cùng việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường lên 3.000 đồng/lít khiến chuyên gia kinh tế nhận định, giá xăng có thể tiếp tục tăng, sau đợt tăng hơn 1.600 đồng/lít chiều hôm qua.
Ngày 10.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng mỗi lít xăng, từ ngày 1.5. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng việc tăng thuế được thực hiện nhằm bù đắp nguồn thu, sau khi giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình. Khi tăng thuế bảo vệ môi trường thì thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%.
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường này về cơ bản là bù đắp cho phần giảm xuống của thuế nhập khẩu sản phẩm xăng dầu thành phẩm.
Tuy nhiên, chia sẻ trên PLO, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc tăng thuế đối với xăng dầu như vậy sẽ có ảnh hưởng đến sản xuất và người dân.
“Thuế bảo vệ môi trường là một loại thuế thu trực tiếp vào hàng hóa sử dụng gây tác hại xấu đến môi trường. Việc thu này là để ta có khoản chi để khắc phục những tác động xấu của hàng hóa đó cho môi trường. Nếu vì khó khăn kinh tế mà ta tăng thu đối với loại thuế này là chưa hợp lý” - ông Lưu nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng quan điểm. “Việc tăng thu này là để bảo vệ môi trường mà không phải là cho việc khác. Nếu lấy số tiền này để chi cho việc khác là không được. Môi trường đang như thế này, có ném vào đây rất nhiều tiền thì cũng chưa đâu vào đâu”.
Hiện tại, xăng dầu nhập khẩu là đối tượng chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu (35%, tối đa là 40% theo cam kết WTO), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), và thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng/lít).
Ngày 11.3, giá xăng dầu đồng loạt tăng. Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 và RON 95 tại hệ thống Petrolimex là 17.280 - 17.880 đồng một lít, lần lượt tăng 1.410-1.610 đồng, giá các loại dầu khác cũng tăng.
Lý do của việc tăng giá lần này, theo lí giải của Bộ Công Thương, vì giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày (từ 24.2 đến hết 10.3) biến động theo chiều hướng tăng. Theo đó, xăng A92 đã tăng trên 4,5 USD một thùng, dầu diesel tăng 1,183 USD một thùng. Trong khi đó, dầu hỏa và mazút xu hướng hướng giảm từ 0,855-6,254 USD mỗi thùng, tấn.
Trên trang Tintuc.vn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Việc tăng giá lần này cho thấy sự hồi phục của giá xăng so với mức giá cao kỷ lục mà xăng đã lập đỉnh ở 25.640 đồng/lít. Trong thời gian tới, giá xăng có thể sẽ tiếp tục tăng để tiến gần về mốc giá cao nhất trước đó.
Bình luận về việc tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng lên 3.000 đồng/lít để ứng phó với thâm hụt ngân sách theo lý giải của cơ quan chức năng, ông Long cho rằng, điều này là chưa hợp lý, không thể lấy nguồn thu của loại thuế này để bù cho nguồn thu của loại thuế khác.
Thiết nghĩ, việc áp dụng thuế môi trường ở các nước châu Âu là rất cao, do đó, giá xăng ở châu Âu rất cao, cao hơn cả ở Mỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng chưa thực sự phát triển hoàn thiện. Do đó, việc tăng thuế môi trường cũng phải tính toán sao cho phù hợp.
>> Điện, xăng cùng tăng giá: Lo giá cả leo thang
>> Giá xăng Việt Nam thấp hơn Trung Quốc dù tăng thuế
Theo Phan Diệu (Một Thế Giới)