Một chuyên gia tài chính cho biết theo nguyên tắc chi phí phát sinh khi nào hạch toán vào năm đó.
Rõ ràng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM giai đoạn 2012-2015 phát sinh trong thời gian này thì phải hạch toán trong những năm đó.
Do đó, vị chuyên gia này hỏi việc Bộ Tài chính có quyết định buộc EVN nộp thuế do doanh nghiệp hạch toán đúng quy định có phù hợp?
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại cho rằng Bộ Tài chính có lý của mình. Chẳng hạn, theo ông Ánh, trong hạch toán chênh lệch tỉ giá, có những nguyên tắc về hạch toán toàn tập đoàn và hạch toán độc lập.
Lỗ lãi tỉ giá phân bổ thế nào đều có quy định cụ thể, song từng trường hợp sẽ có phân bổ và hạch toán khác nhau.
Ông Ánh cho rằng với các tập đoàn có cơ chế quản lý tài chính, đặc biệt liên quan đến quản lý thuế nên Bộ Tài chính sẽ căn cứ hoàn toàn vào quy định hiện hành để thực hiện, còn theo EVN lý giải thì họ dựa trên tình hình thực tế triển khai.
"Do đó, nếu căn cứ vào quy định pháp lý thì rõ ràng Bộ Tài chính làm đúng. Nhưng với tình hình thực tế của EVN như nêu trên, thì cơ quan quản lý sẽ tính toán như thế nào vì mức truy thu đó là rất lớn, và đó là việc ứng xử, xử lý trong quản lý điều hành" - ông Ánh nói.
Từ thực tiễn vụ việc này, các chuyên gia cho rằng cần rút ra bài học trong việc quản lý hoạt động tài chính của doanh nghiệp vì đang có những khoảng cách giữa cơ quan quản lý và đối tượng bị quản lý.
Cụ thể trong trường hợp này là EVN có bộ chủ quản là Bộ Công thương, nên việc phối hợp quản lý giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương với doanh nghiệp nhà nước bộc lộ ra sự thiếu đồng bộ, vênh nhau giữa ban hành quy định và thực thi.
"Cần phải điều chỉnh quy định cho phù hợp thực tế, để tránh trường hợp cứ làm rồi lại phạt", một chuyên gia nêu quan điểm.
Sắp tới khi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước được thành lập, một số chuyên gia cho rằng việc quản lý kinh tế, tài chính của doanh nghiệp nhà nước sẽ được quy về một mối, để tránh được thực tế bất cập là sự thiếu đồng bộ trong quản lý.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định truy thu 1.935 tỉ đồng do phát hiện EVN hạch toán sai một số khoản chi phí khiến doanh thu và lợi nhuận của năm 2015-2016 giảm. Việc làm này được cho là nhằm né tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Trong văn bản gửi đến Tuổi Trẻ do ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, ký phản hồi về quyết định của Bộ Tài chính truy thu trên 1.900 tỉ đồng, EVN đã thông tin cụ thể về hai khoản tiền được cho là hạch toán sai quy định.
Với khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM giai đoạn 2012-2015 là khoảng 1.900 tỉ đồng, EVN xác nhận trong năm 2015 đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỉ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và cho rằng đây là "sự nỗ lực lớn".
EVN khẳng định khoản chi phí đã được phân bổ này không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện được áp dụng từ ngày 1-12-2017.
Cũng vì không tính vào giá điện từ 1-12-2017 nên EVN khẳng định sẽ... không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này xuất toán khỏi giá thành năm 2015 và chuyển phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2017.
Đối với khoản lãi tỉ giá 4.847 tỉ đồng, EVN cho biết khoản này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1.
Đây là dự án của Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco 1) được hạch toán phụ thuộc vào Genco 1, nên theo quy định khoản lãi chênh lệch tỉ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng phải được chuyển giao về EVN GENCO 1.
Tuy nhiên, EVN cho biết dự án này lại sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản) và đối tác cho vay vốn yêu cầu EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho EVN GENCO 1.
EVN cho biết hiện đang tiếp tục giải trình với Bộ Tài chính để xử lý, giải quyết, cũng đã báo cáo Thủ tướng và khẳng định sẽ thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Theo Ngọc An - Lê Thanh (Tuổi Trẻ)