Nhà máy lọc dầu - Ảnh: Shutterstock |
Vài nước trên thế giới, chẳng hạn như Na Uy, đã dùng số tiền có được từ xuất khẩu dầu để trữ một lượng lớn tài sản. Nhiều nước khác thì phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ để cân bằng ngân sách tài chính. Với mức giá dầu hiện nay, các nước nói trên rơi vào thời gian khó khăn để cân bằng ngân sách quốc gia, theo trang Business Insider.
Dưới đây là biểu đồ mà nhà phân tích Michael Hseuh thuộc Ngân hàng Deutsche Bank đưa ra, cho thấy mức giá dầu thô giúp một số nước xuất khẩu dầu chính có thể hòa vốn tài khóa (kiếm được lại số tiền đã chi).
Mức giá dầu là điểm hòa vốn cho ngân sách một số nước sản xuất dầu chính (đơn vị tính USD/thùng) - Ảnh: Business Insider |
Theo biểu đồ trên, trừ ba nước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar, tất cả các quốc gia còn lại đều cần giá dầu trên 100 USD/thùng để hòa vốn. Giá dầu thấp thậm chí còn có thể là thảm họa với vài nước.
Lấy Venezuela làm ví dụ. Dầu thô chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu của nước này và đóng góp đến hơn một nửa GDP. Venezuela hiện đang chìm sâu trong lạm phát và đứng bên bờ vực vỡ nợ.
Các nước khác đã và đang thận trọng hơn với tiền của họ, có bộ đệm trong hình thức quỹ đầu tư quốc gia (SWF). SWF là những quỹ đầu tư do nhà nước quản lý, đổ tiền vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, kim loại quý và các khoản đầu tư khác.
Tính đến tháng 3.2015, các quỹ đầu tư quốc gia trên thế giới nắm giữ 7.100 tỉ USD tài sản, theo số liệu từ Sovereign Wealth Fund Institute. Trong số này, 4.290 tỉ USD là khoản tiền có nguồn gốc ở các nước phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt.
Năm trong số các SWF lớn nhất thế giới phụ thuộc vào khoản thu năng lượng để chi trả cho 45% toàn bộ tài sản mà toàn bộ các SWF nắm giữ. Đó là các quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy, Ả Rập Xê Út, Kuwait, Qatar và UAE.
Quốc gia duy nhất có khả năng cân đối ngân sách trong tình hình giá dầu hiện nay là Na Uy. Nước này ước tính cần khoảng 40 USD cho mỗi thùng dầu để có thể hòa vốn. Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy bằng 200% GDP hằng năm của nước này, cung cấp một bộ đệm khá lớn cho đất nước trước biến động giá dầu.
Tuy vậy, quốc gia Bắc Âu cũng đang lên kế hoạch để lần đầu tiên dùng tiền từ quỹ vào năm sau, trước 20 năm so với dự tính. Ngoài chuyện cắt giảm thuế, ngân sách năm 2016 bao gồm kế hoạch chi tiêu 25,2 tỉ USD từ các quỹ dầu mỏ, hay khoảng 2,8% từ tổng giá trị quỹ. Đây vẫn còn là con số thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình hằng năm 3,8% của quỹ.
Các nước sản xuất dầu thô chủ chốt khác không có được sự thoải mái như Na Uy. Thị trường buộc họ phải bán dầu và chịu lỗ. Một biện pháp để giảm nhẹ hao tổn hiện nay là cắt giảm chi phí vốn.
Hãng xếp hạng tín dụng Fitch ước tính điểm giá dầu hòa vốn tài khóa cho Ả Rập Xê Út có thể giảm xuống còn 31 USD/thùng nếu không có một đồng chi phí đầu tư nào được chi trong năm 2014. Giả sử với điểm hòa vốn là 106 USD/thùng dầu thô, biện pháp quyết liệt trên vẫn không thể giúp ích cho ngân sách Ả Rập Xê Út .
Một cách khác dành cho các nước đang chật vật với ngân sách, đó là lấy bớt tiền từ quỹ đầu tư của họ. Biện pháp này có thể bao gồm việc thanh lý một số tài sản. Với hơn một nửa của con số 7.000 tỉ USD tài sản được quản lý bởi các quỹ SWF gắn trực tiếp với doanh thu năng lượng, biện pháp này có thể gây ra đợt chấn động với các thị trường toàn cầu.
Xem xét SWF của Na Uy vào thời điểm tháng 9.2015: đầu tư 60% vào cổ phiếu (trong đó có 36% cổ phiếu Mỹ), 37% vào thu nhập cố định và 3% vào bất động sản. SWF của UAE đầu tư khoảng 35-50% vào tài sản Bắc Mỹ, 20-35% vào tài sản châu Âu, 10-20% vào châu Á và 15-25% vào các thị trường mới nổi. Nếu các SWF như trên bị buộc phải bán bớt tài sản, một làn sóng bán tài sản cũng sẽ lan rộng ra thế giới.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)