Theo số liệu từ IndexQ, thị trường Việt Nam đứng đầu trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh thế giới trong quý II với gần 18%.
Theo sau Việt Nam là thị trường Argentina với 16,32%, Thổ Nhĩ Kỹ gần 16% và Brazil với 14,76%.
Trước đó, Việt Nam từng đứng đầu danh sách những thị trường có mức tăng tốt nhất thế giới trong 3 tháng đầu năm với 19,33%, cao hơn gần 4% so với thị trường đứng thứ hai là Ai Cập.
Mức giảm gần 18% trong 3 tháng gần đây của VN-Index cũng đánh dấu giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường kể từ quý IV/2018 - giai đoạn khủng hoảng kinh tế. So với mức đỉnh hơn 1.200 điểm xác lập ngày 9/4, đến nay VN-Index đã mất hơn 250 điểm, tương đương gần 21%.
Đà tăng của thị trường chứng khoán, thực tế đã kéo dài từ nửa cuối năm 2017 đến hết quý I/2018. Trạng thái tiêu cực của thị trường chỉ bắt đầu khi VN-Index vượt qua 1.200 điểm. Trụ lại trên đỉnh cao nhất lịch sử vỏn vẹn 4 phiên, thị trường mở đầu cho đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế cách đây 10 năm.
"Khi mọi nhà đầu tư đều hưng phấn, mơ mộng về những đỉnh cao hơn nữa thì đó thường là lúc khủng hoảng xảy ra", một chuyên gia đánh giá khi đó và cho rằng, thị trường chứng khoán đã bị đẩy lên quá cao trong một thời gian dài khiến chỉ một biến động nhỏ cũng dễ dàng kích hoạt hành động bán tháo.
Theo thống kê của nhiều công ty chứng khoán, mức định giá P/E của thị trường Việt Nam đã lên tới hơn 22 lần khi VN-Index vượt qua ngưỡng lịch sử hơn 1.170 điểm.
"Chứng khoán Việt Nam đang trở nên đắt đỏ sau gần một năm tăng liên tục", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích công ty Chứng khoán Yuanta trả lời VnExpress khi đó. Bằng chứng là nhiều quỹ đầu tư, tự doanh của các công ty chứng khoán đã hạ bớt danh mục vào cuối quý I - khi thị trường ở trạng thái hưng phấn nhất.
Cộng hưởng với những biến động trên thế giới, từ căng thẳng địa chính trị tại Syria, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cho tới lo ngại về sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, khiến đà giảm ngày một nối dài.
Những cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn là động lực tăng trưởng cho thị trường trong giai đoạn trước đó, trở thành nhóm giảm mạnh nhất khi thị trường lao dốc. Mức định giá trở nên quá cao khiến những cổ phiếu này không còn hấp dẫn để nắm giữ, và trở thành mục tiêu đầu tiên để chốt lời bảo vệ thành quả.
Dòng tiền từ việc chốt lời cổ phiếu niêm yết dù không bị rút ra quá nhiều khỏi thị trường Việt Nam, nhưng lại phân tán vào những kênh đầu tư khác. Điều này khiến thanh khoản từ những "tay chơi" lớn trên thị trường trở nên thiếu hụt. Những phiên chào bán cổ phần lớn từ Vinhomes, Techcombank hay những thương vụ mới đây của Yeah1 đã hấp thụ lượng tiền dôi dư đáng kể từ các quỹ lớn trên thị trường.
Đó cũng là lý do, từ khi đợt điều chỉnh lớn bắt đầu, thanh khoản của thị trường cũng trở thành bài toán nan giải.
So với giai đoạn 3 tháng đầu năm khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử, thanh khoản trong 3 tháng tiếp theo giảm mạnh một cách đáng kể. Tổng thanh khoản 2 sàn HNX và HoSE thậm chí còn xuống dưới 100.000 tỷ đồng trong hai tháng gần nhất.
Không có dòng tiền lớn đỡ lại, những phiên hồi phục hầu như ghi nhận giao dịch khá ảm đạm, trong khi thanh khoản lại tăng mạnh ở những phiên bán tháo. Giai đoạn 3 tháng đầu năm, mỗi phiên HoSE giao dịch từ 7.000 đến 9.000 tỷ đồng. Nếu trước, mức dưới 6.000 tỷ đã bị coi là thanh khoản thấp thì trong những phiên gần nhất, thanh khoản thị trường chỉ được hơn 3.000 tỷ đồng, vươn tới 5.000 tỷ đã được coi là khả quan.
"Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng hồi phục của thị trường đang ở mức khá thấp", báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Nếu cách đây 3 tháng khi VN-Index vừa cán mốc lịch sử, giới chuyên gia, nhà đầu tư nhìn nhận thị trường sẽ đạt tới 1.500 điểm, thậm chí 2.000 điểm vào cuối năm. Đến nay, sau giai đoạn sụt giảm mạnh, kỳ vọng trở lại ngưỡng 1.200 điểm khi "chốt sổ" 2018 đã được coi là tích cực, hoặc nếu không cũng chỉ là sự kỳ vọng trở lại ngưỡng 1.100 điểm.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)