Chứng khoán tuần 6-10/2: Đầy ắp mong chờ, tin đồn và sự thất vọng

12/02/2023 07:22:46

Thị trường chứng khoán trải qua một tuần đầy ắp sự kỳ vọng cho lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Tuy nhiên, sự thận trọng đã quay trở lại, cùng với tin đồn đã khiến đa số cổ phiếu tiếp tục giảm, VN-Index mất hơn 2% và thanh khoản tụt giảm.

Một tuần đầy ắp mong chờ

Hiếm khi nào thị trường chứng khoán lại có một tuần đầy ắp kỳ vọng như vậy, khi các hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, như trong tuần 6-10/2.

Hội nghị tín dụng bất động sản hôm 8/2 được xem là rất quan trọng với thị trường bất động sản khi mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp khó khăn, bế tắc về dòng tiền, trong khi thị trường trầm lắng.

Đây là cuộc họp giữa các cơ quan quản lý, gồm các bộ ngành (trong đó có hai đơn vị quan trọng là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng), các ngân hàng thương mại với một loạt các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc họp trù bị nội bộ cùng với tổng giám đốc các tổ chức tín dụng… để nghe báo cáo về tình hình vốn cho thị trường bất động sản.

Về phía Bộ Xây dựng cũng đã có một cuộc họp trù bị.

Trước đó nữa, hôm 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 đã chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết nhằm gỡ khó cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp...

Tuy nhiên, cuộc họp 8/2 đã không mang kết quả như mong đợi.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hội nghị tín dụng bất động sản (BĐS) ngày 8/2 nằm trong chuỗi hội nghị của NHNN về tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau. Theo bà Hồng, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng 70% vướng mắc của thị trường là ở tính pháp lý.

Chứng khoán tuần 6-10/2: Đầy ắp mong chờ, tin đồn và sự thất vọng
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần đầy ắp sự kỳ vọng. (Ảnh: HH)

Thống đốc cũng cho biết, ngành ngân hàng phải cân đối nhiều mục tiêu và vì mục tiêu chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, bà Hồng khẳng định nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là "sân sau" với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Trong năm 2023 NHNN tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống ngân hàng.

Trong phiên cuối tuần, một tin đồn xấu cũng góp phần khiến thị trường chứng khoán (TTCK) chịu thêm áp lực bán. Nghi án thao túng giá cổ phiếu Eximbank (EIB) làn tràn trên mạng chiều 10/2 khiến cổ phiếu EIB giảm sàn xuống còn 22.950 đồng/cp. EIB giảm tổng cộng gần 18% từ đầu năm.

Vào cuối ngày 10/2, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) phát đi thông cáo cho biết có nhận được thông tin một số hội nhóm và diễn đàn đưa hình ảnh và diễn đạt thông tin sai lệch về việc ACBS là bên có liên quan đến một số giao dịch của mã chứng khoán EIB. Tuy nhiên, ACBS khẳng định không tham gia vào bất cứ giao dịch hoặc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao dịch mã chứng khoán EIB. 

Chứng khoán tiếp tục đà điều chỉnh, thanh khoản sụt giảm

Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp.

Mặc dù đã có phiên tăng điểm khá tốt ngay đầu tuần, nhưng chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm ngay phiên sau đó với mức giảm 2,2%. Thị trường tiếp tục lùi sâu hơn trong 2 phiên cuối tuần và VN-Index đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.055,3 điểm, giảm 2% so với cuối tuần trước.

Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 3,2% về mức 208,5 điểm, trong khi chỉ số Upcom-Index lại tăng 2,4% lên mức 77,3 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 27,6% về mức 11.050 tỷ đồng/phiên.

Mặc dù khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trong tuần trên sàn HOSE, nhưng giá trị mua ròng đã giảm chỉ còn 858 tỷ đồng (giảm 48,9% so với tuần trước). Tương tự, giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ còn 48 tỷ đồng (giảm 63,3%) trên sàn HNX-Index và bán ròng 29 tỷ đồng (so với mua ròng 48 tỷ đồng) trên sàn UPCOM-Index.

Sắc đỏ bao trùm thị trường khi có tới 16/21 nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh. Hàng loạt các nhóm ngành vốn hoá lớn như bán lẻ (-7,64%), chứng khoán (-3,68%), bất động sản (-4,47%) và ngân hàng (-1,35%) tiếp tục hứng chịu lực bán chốt lời của các nhà đầu tư. Một chút sắc xanh tới từ những nhóm vốn hoá bé như thuỷ sản (+1,57%), dầu khí (+1,3%), dược phẩm (+0,82%)... là không đủ để bù đắp cho những mất mát của chỉ số VN-Index.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chứng khiến sự phân hóa mạnh mẽ khi Vietcombank (VCB) là cổ phiếu giữ nhịp chỉ số nhờ kết quả kinh doanh khả quan (lợi nhuận ròng quý IV/22 tăng 54% so với cùng kỳ), còn VPB (-4,1%), MBB (-1,6%) và VIB (-9,7%) lại là những cổ phiếu gây giảm điểm mạnh nhất cho VN-Index.

Ngành bất động sản có một tuần giảm điểm mạnh, bao gồm những tên tuổi lớn như Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 5,6%, Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn giảm 8%, Đất Xanh (DXG) của ông Lương Trí Thìn (-13,4%). 

Điểm sáng trong tuần có thể kể đến ngành thủy sản với việc giá cá tăng trên cở sở kỳ vọng nhu cầu phục hồi khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, tiêu biểu là cổ phiếu ANV (+16,3%) và IDI (+6,4%).

Chứng khoán tuần 6-10/2: Đầy ắp mong chờ, tin đồn và sự thất vọng - 1
Chỉ số VN-Index tiếp tục chịu áp lực bán trong 2 tuần qua. (Nguồn: TV)

Có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường của VNDirect, TTCK có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật sau khi VN-Index kiểm định vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.040 điểm. 

Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn chờ đợi vùng định giá hấp dẫn hơn để giải ngân sau khi kết quả kinh doanh quý IV/2022 đưa ra kém hơn nhiều so với thị trường kỳ vọng. 

Tính từ đỉnh thiết lập hồi cuối tháng 1, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 5,6%, nhiều cổ phiếu lớn đã điều chỉnh trên 10% và thậm chí là 20%. Trong tuần tới, lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện tại vùng 1.040 điểm, giúp VN-Index có nhịp phục hồi kỹ thuật.

Tuy vậy, trong bối cảnh dòng tiền yếu, khó có thể kỳ vọng nhịp phục hồi này đi xa. Kịch bản tích cực là VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy xoay quanh vùng 1.040-1.080 điểm. 

Theo Chứng khoán CSI, VN-Index đã giảm tuần thứ 2 liên tiếp, nhưng thanh khoản của tuần vừa qua có sự sụt giảm đáng kể so với trung bình tuần trước cho thấy tâm lý của giới đầu tư khá thận trọng. Xét trong ngắn hạn, dải sideway (1.060 – 1.070 điểm) đã bị phá vỡ, nên khả năng cao VN-Index sẽ hướng tới mốc hỗ trợ 1.037 điểm trong tuần mới.

Còn theo VCBS, dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần với cây nến giảm điểm lùi xuống khu vực 1050-1060 điểm. Đây cũng là vùng điểm đã có chuỗi phiên tích lũy trước đó và cũng là vùng giao cắt với đường trung bình động MA200 nên có thể coi là vùng điểm hỗ trợ gần nhất của thị trường.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)

Nổi bật