Thị trường chứng khoán với VN-Index đã có tuần giao dịch đầu năm Nhâm Dần 2022 (sau Tết) với sắc xanh 4 phiên và chỉ giảm nhẹ hơn 5 điểm trong phiên cuối tuần ngày 11/2. Tuy nhiên chốt tuần, VN-Index vẫn “bỏ túi” 22,75 điểm.
Tăng điểm từ “rón rén” đến rung lắc
Điểm số tăng 22,75 điểm tương ứng với mức tăng nhẹ gần 1,54% của VN-Index.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, tuần giao dịch khép lại mang đến thêm một tỉ số mới. Đó là, trong 7 năm trở lại đây thì tuần đầu tiên sau Tết giao dịch trở lại VN-Index đã có 6/7 phiên tăng điểm, ngoại trừ năm 2020 giảm điểm do dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trong cộng đồng tại Việt Nam.
Trở lại với 4 phiên tăng điểm vừa qua, 2 phiên đầu tuần chỉ số VN-Index tăng lần lượt 18,7 điểm (+1,26%) và 3,33 điểm (+0,22%). Tuy nhiên theo đánh giá của Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đó là nhịp tăng “rón rén” khi dòng tiền chưa đủ mạnh và thanh khoản mỗi phiên chỉ từ trên 18.000 đến hơn 22.500 tỉ đồng.
Đến 2 phiên tiếp sau đó, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng, nhưng tăng trong rung lắc, giằng co từ mức vừa phải đến mạnh.
Có phiên như ngày 10/2, VN-Index rung lắc mạnh trong biên độ hơn 12 điểm, và chỉ số chỉ có thể trở về sắc xanh nhẹ vào những phút cuối phiên.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV, 2 phiên tăng trên trong rung lắc khi VN-Index ở trên mức 1.500 điểm, được ví như ngồi trên “ghế nóng”.
Bởi ngay phiên giao dịch thứ 2 sau Tết, VN-Index đã vượt ngưỡng 1.500 điểm nhưng đồng thời cũng cho thấy đà tăng thu hẹp đáng kể trong diễn biến thị trường phân hóa mạnh theo từng nhóm ngành. Trong đó, điểm số chung VN-Index dù tăng nhưng nhiều nhóm ngành lại giảm giá hoặc không cho thấy dấu hiệu khả quan.
Thị trường không như dự báo
Trước Tết, đa phần các dự báo cho rằng sau Tết nhóm ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn đắt đà tăng của thị trường, và dòng tiền sẽ trở lại với các nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt.
Tuy nhiên, 5 phiên sau Tết cho thấy, nhóm ngân hàng không tiếp tục giữ được vai trò. Thậm chí từ phiên thứ hai trở đi, nhóm này bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại và những phiên sau đó còn bị điều chỉnh, đe dọa đến điểm số chung của VN-Index.
Thứ hai là nhóm bất động sản, diễn biến không ổn định và tính tranh chấp khá mạnh. Còn nhóm chứng khoán, tiếp tục mạch dài từ gần 2 tháng qua với xu hướng chủ đạo là giảm điểm.
Rất may, tuần vừa qua chứng kiếm sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm thép và vật liệu xây dựng. Chỉ trong vài phiên, nhóm thép có những cổ phiếu tăng mạnh trong biên độ 20% giá so với trước đó. Nhóm bán lẻ cũng có diễn biến khá như DGW, FRT, PET.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt đã không được như kỳ vọng là địa chỉ thu hút dòng tiền và cầm chịch thị trường. Ngược lại, trong 3 phiên về cuối tuần giao dịch vừa kết thúc, nhóm VN30 chính là lực cản đà tiến của VN-Index, thậm chí còn đè nặng thị trường dẫn đến mất hơn 5 điểm vào phiên cuối tuần ngày 11/2.
Thị trường chứng khoán với VN-Index đã “lì xì” ở một số nhóm ngành nhưng cũng rung lắc để “răn đe” ở một số nhóm ngành khác. Từ đó cho thấy, thị trường tuần tới không dễ để đoán định xu hướng khi ngưỡng 1.500 điểm trong phần lớn thời gian giao dịch mang tính kháng cự nhưng cũng có lúc trở thành hỗ trợ.
Theo Thế Lâm (Lao Động)
https://laodong.vn/kinh-te/chung-khoan-sau-tet-co-li-xi-nhung-cung-nhieu-rung-lac-ran-de-1013357.ldo