Kết thúc phiên giao dịch 26/9 (rạng sáng 27/9), chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 đóng cửa thấp nhất mới cho năm 2022, trong khi đó chỉ số công nghiệp Dow Jones rơi vào vùng thị trường giá xuống (bear market) với việc giảm hơn 20% kể từ đỉnh.
Chứng khoán Mỹ giảm trong bối cảnh thị trường tiền tệ toàn cầu rung chuyển sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp và phát tìn hiệu còn tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao để chống lạm phát, vốn đang ở vùng cao nhất trong 40 năm (8,3% trong tháng 8).
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều giảm thêm hơn 1%. Tính từ đầu năm, Dow Jones đã mất 20,4% so với đỉnh ghi nhận hôm 4/1/2022. Theo lý thuyết, một thị trường chứng khoán rơi vào thị trường giá xuống khi rớt hơn 20% so với đỉnh.
Mặc dù giảm sâu, nhiều dự báo cho rằng, sau khi rơi vào thị trường giá xuống, chứng khoán Mỹ có thể giảm thêm 20%, thậm chí 40%.
Trên trang MarketWatch, nhà đầu tư nổi tiếng Phố Wall Carl Icahn vừa ra cảnh báo cho rằng, “điều tồi tệ nhất còn chưa đến” với thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, nhà quản lý quỹ lừng lẫy Ray Dalio khuyên các nhà đầu tư không nên hy vọng giá tài sản sẽ sớm bật tăng trở lại sau đợt bán tháo vừa rồi.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã trả qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970 trong bối cảnh lạm phát lên đỉnh 40 năm và tốc độ suy giảm rất chậm. Fed buộc phải duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn.
Theo Carl Icahn, nhiều thứ đang rẻ nhưng có thể trở nên rẻ hơn nữa.
Phát biểu của Icahn (86 tuổi) được đưa ra khi mà đồng USD tăng mạnh trong nửa đầu năm và tiếp tục tăng vọt trong những phiên gần đây sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm 2022 hôm 21/9 và bất ngờ phát đi tín hiệu cứng rắn hơn.
Đồng USD hôm 26/9 lên đỉnh cao mới trong 20 năm. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - tăng vọt lên trên ngưỡng 114 điểm.
Cú bứt phá của USD khiến đồng bảng Anh xuống thấp kỷ lục trong 40 năm qua, sắp ngang giá USD; trong đồng euro tiếp tục lao dốc và đã thấp hơn đồng bạc xanh. Giá USD trong nước lên gần 23.900 đồng.
Trong phiên giao dịch 26/9, đồng bảng Anh (GBP) giảm thêm gần 0,8% xuống còn 1 bảng Anh đổi 1,0765 USD.
Đây là mức thấp kỷ lục của đồng tiền của nước Anh trong vòng 40 năm qua bất chấp Ngân hàng Trung ương Anh cũng vừa tăng lãi suất cơ bản để chống lại lạm phát, chống lại sự mất giá không phanh của đồng tiền này.
Trong vòng gần năm qua, bảng Anh đã giảm khoảng 23%, từ mức gần ngưỡng 1 bảng Anh đổi 1,4 USD về mức gần ngang giá với đồng USD như hiện tại.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 9/2022, đồng euro lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua xuống dưới ngưỡng ngang giá với USD. Tính đến chiều 26/9, 1 euro còn đổi chưa được 0,97 USD.
Đồng bảng Anh và euro giảm giá mạnh trong bối cảnh lạm phát leo thang ở Anh và Liên minh châu Âu (EU), hiện đang ở mức cao nhất nhiều thấp kỷ, xung quanh ngưỡng 9-10% khi mà khu vực này đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực.
Tại châu Á, đồng won của Hàn Quốc xuống mức thấp nhất 13 năm so với USD, trong khi yen Nhật vẫn quanh đáy 24 năm. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng suy yếu khi mà Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực vực kinh tế do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid.
Gần đây, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc phá vỡ ngưỡng quan trọng 1 USD đổi 7 NDT và đang hướng tới ngưỡng 1 USD đổi 7,2 NDT khi mà chênh lệch giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Mỹ ngày một lớn. Trong khi Fed của Mỹ liên tục tăng lãi suất thì Bắc Kinh có xu hướng bơm tiền kích thích khi kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Theo Icahn, lạm phát Mỹ tăng mạnh do Chính phủ Mỹ chi tiêu quá nhiều trong đại dịch. Mỹ đã in quá nhiều tiền và giờ “bữa tiệc đã kết thúc”.
Trong khi đó, châu Âu ghi nhận lạm phát quanh ngưỡng 2 con số do khủng hoảng năng lượng, lương thực và cả một đồng USD mạnh.
Theo Dalio, tình hình Mỹ sẽ tồi tệ hơn trong năm 2023-2024 và có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử nước này.
Theo Indiatimes, “Dr. Doom” Nouriel Roubini cho rằng, ngay cả trong một kịch bản suy thoái nhẹ, chỉ số S&P 500 có thể giảm thêm 30%.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)