Vừa qua, VN-Index có cú lao dốc hơn 20% từ đỉnh lịch sử, thủng mốc 1.200 điểm. Đà giảm quá mạnh của chỉ số vượt mọi dự báo từ giới chuyên gia. Nhà đầu tư đứng ngồi không yên, đi tìm lý do cho “cú sập” của thị trường, với nhiều giả thiết được đưa ra.
Phái sinh "lớn nhanh" đột biến
Để trấn an nhà đầu tư, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có nhiều giải pháp ổn định thị trường trong ngắn hạn, minh bạch công bố thông tin tự doanh, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì lấy giá đóng cửa phiên ATC) để tránh những tác động đến thị trường cơ sở. Doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 - 10 phiên cũng phải công bố thông tin.
Thay đổi chính sách của UBCKNN được giới đầu tư, phân tích đón nhận, kỳ vọng sẽ “đỡ” tâm lý thị trường thoát vùng tiêu cực hiện nay. Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý đến thị trường rất rõ ràng, những nỗ lực này cần được ghi nhận.
Còn, việc coi nguyên nhân nào là “tội đồ” khiến chứng khoán lao dốc, ông Điệp cho rằng không nên nhìn nhận như vậy, khi có nhiều yếu tố góp phần, như tâm lý hoảng loạn, bán tháo của nhà đầu tư mới, ảnh hưởng quốc tế (lạm phát, tăng lãi suất)…
“Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là chứng khoán phái sinh biến động tương đối bất thường. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng rất cao (khoảng 9 nghìn tỷ đồng/phiên), vượt xa thanh khoản rổ VN30, chỉ số cơ sở cho phái sinh chỉ 5-6 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản thị trường phái sinh cao hơn nhiều lần cơ sở, gây ảnh hưởng ra sao cần phải xác định rõ”, ông Điệp nêu quan điểm.
Điểm “bất thường” ông Điệp quan sát được thời gian qua là sau 14 giờ, thị trường nhiều lần bị đạp mạnh, khi một số mã VN30 lao dốc. Nhiều người cũng cho rằng, hiện tượng này liên quan khá rõ đến phái sinh. Theo ông Điệp, phái sinh là phòng vệ, mà khi đặc tính này mất đi, nhà đầu tư lao vào chọn cửa lên, xuống, thì tính chất của sản phẩm không hoàn chỉnh.
“Theo luật, thị trường phái sinh có nhà tạo lập. Để tạo thanh khoản, họ phải có kho hàng chứng khoán cơ sở. Không loại trừ, những kho đấy là mảng tự doanh của công ty chứng khoán, khách hàng lớn. Họ dùng lượng lớn chứng khoán cơ sở để can thiệp cho mục đích riêng”, ông Điệp phân tích.
Xung đột lợi ích ra sao?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, ảnh hưởng phái sinh tới thị trường chung là có, cơ quan quản lý đã nhìn được vấn đề này.
Theo ông Điệp, cơ quan quản lý có thể xem xét thêm quy định, coi tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán là tài khoản đặc biệt, phải công bố giao dịch dự kiến trước 24 giờ. Nếu làm được điều này, ông Điệp cho rằng, can thiệp, thao túng là không thể, khi công ty chứng khoán phải công bố đặt vị thế short (bán) thì bán cổ phiếu nào, hay long (mua) thì mua cổ phiếu nào
Về hoạt động tự doanh, ông Điệp cho rằng, nhóm không đủ lớn khiến thị trường “sụp đổ” trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tự doanh nhiều cách để tác động tâm lý đến thị trường, dù số lượng cổ phiếu không lớn nhưng họ có kỹ thuật bán, cách thức ép, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư cá nhân.
Chưa kể, công ty chứng khoán nhìn được rõ trạng thái vay nợ, tỷ lệ margin (ký quỹ) của các tài khoản cá nhân. Nếu công ty chứng khoán đảm bảo minh bạch, hoạt động riêng lẻ các bộ phận như tự doanh, tư vấn đầu tư, quản trị danh mục khách hàng, điều này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, ông Điệp nghi ngại về hoạt động tự này ở các công ty nhỏ, hoặc công ty có nguồn lực tự doanh lớn, liệu có đảm bảo tách bạch.
Ông Hồ Quốc Tuấn (giảng viên ĐH Bristol, Anh) nhận định, chắc chắn có xung đột lợi ích khi công ty chứng khoán hoạt động tự doanh. Tuy nhiên, từ khả năng xảy ra xung đột lợi ích, tới thực chất có việc công ty chứng khoán “ăn gian”, rồi ăn gian bắt quả tang, bắt được xử lý như thế nào, là vấn đề quản lý mà các thị trường phát triển cũng chưa xử lý được. Dù vậy, các thị trường đó không cấm tự doanh.
“Về nguyên tắc, tự doanh và môi giới phải tách biệt. Nhưng thực tế, tại thị trường phát triển hàng đầu thế giới là Mỹ, mỗi năm vẫn có hàng trăm vụ điều tra tự doanh mua trước khách để kiếm lời”, ông Tuấn cho biết. Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Tuấn cho rằng, nếu hành vi “chơi xấu” bị phát hiện, các bên liên quan phải nộp phạt 100% doanh thu giao dịch tự doanh của năm đó, ít công ty chứng khoán dám vi phạm.
Ông Tuấn nói: “Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) có đường dây nóng và quy trình rõ ràng, đơn tố cáo tới ngưỡng nào thì buộc phải chuyển hồ sơ qua bắt đầu điều tra. Tự doanh vẫn được hoạt động, công ty vi phạm quy định, bị phát hiện sẽ nhận “thẻ đỏ, treo giò”. SEC đang trả tiền thưởng từ tiền phạt thu được để khuyến khích những người tố cáo vi phạm”
Xung đột đạo đức là vấn đề các nhà đầu tư luôn nghi ngại, thậm chí được đưa ra chất vấn trong mùa đại hội cổ đông vừa qua. Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch SSI) khẳng định khối tự doanh của công ty không kinh doanh dựa trên những điều khuyến nghị nhằm đảm bảo tính công bằng, tránh mâu thuẫn quyền lợi với cổ đông trên thị trường, dù điều đó có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. "Chúng tôi không tham gia vào câu chuyện làm giá, thổi giá, đồng hành với nhóm này hay nhóm khác", ông Hưng nói.
Sau chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), từ chiều 17/5, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã công bố trở lại số liệu tự doanh. Còn đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: “HNX cần thêm thời gian để chuẩn bị kỹ thuật, vì trước đây, Sở chưa tách dữ liệu này. Công việc đang được triển khai khẩn trương, đảm bảo công bố theo thời hạn UBCKNN giao (ngày 23/5)”.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)