Áp lực bán tăng vọt ngay đầu phiên sáng 18/3. Chỉ số VN-Index mất hơn 30 điểm chỉ sau ít phút. Nhóm cổ phiếu trụ cột tụt giảm mạnh. Ban đầu chỉ có 3 cổ phiếu "họ Vin" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trụ được ở mức xanh, còn lại 27 mã khác giảm sâu.
Nhưng tới cuối phiên sáng 18/3, tất cả 30 cổ phiếu blue-chips thuộc nhóm VN30 đều giảm điểm, qua đó khiến VN-Index giảm 35,91 điểm (tương đương giảm 2,84%) xuống 1.227,87 điểm.
Trong tuần trước, một số thông tin tiêu cực như vấn đề tỷ giá lên cao đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán và gây ra tình trạng thận trọng và hoạt động chốt lời gia tăng. Dù vậy, dòng tiền tỷ USD đổ vào đều đặn trong mỗi phiên vẫn giữ chỉ số VN-Index tăng nhẹ.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 18/3, giới đầu tư vẫn khá thận trọng với vấn đề tỷ giá, hoạt động hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số thông tin khác. Nhiều nhà đầu tư quyết định chốt lời hoặc/và cắt lỗ trong bối cảnh nhiều thông tin chưa rõ ràng. Giá nhiều loại hàng hóa vẫn tăng cao, tỷ giá hạ nhiệt khá chậm.
Trong tuần trước, giá vàng miếng SJC và tỷ giá đồng loạt lập kỷ lục cao lịch sử. Trong 5 phiên từ 11-15/3, NHNN đã hút tổng cộng gần 75.000 tỷ đồng thông qua đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất quanh 1,4%/năm và có thể sẽ tiếp tục hút tiền.
Trong phiên giao dịch sáng 18/3, hiệu ứng bán tháo lan rộng và sắc đỏ bao trùm trên toàn thị trường, đối với hầu hết cổ phiếu các nhóm ngành. Trong buổi sáng, có lúc cổ phiếu Vietinbank (CTG) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) giảm sàn.
Nhiều mã cổ phiếu trụ cột khác cũng giảm sâu như Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh…
Trong phiên sáng, có lúc VN-Index mất hơn 40 điểm. Tổng cộng có 800 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó có 25 mã giảm sàn.
Hàng loạt cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua đã quay đầu giảm sàn như VTP, VGC, SIP, DGC…
Hoạt động bán ở vào thời điểm có nhiều thông tin tiêu cực (như tỷ giá tăng cao, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng) diễn ra trong bối cảnh chỉ số VN-Index tăng gần 12% từ đầu năm nhưng thị trường chứng khoán chưa có đợt điều chỉnh rõ rệt nào.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng chú ý đến một sự kiện khá nóng, có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu là cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong vài ngày tới.
Vào cuối tuần qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect cho rằng, TTCK hướng tới tuần giao dịch quan trọng khi Fed sẽ có cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra trong ngày 19-20/3 tới. Và chỉ số VN-Index có thể “test” lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm.
Tới cuối phiên sáng 18/3, chỉ số VN-Index đã giảm sâu xuống dưới ngưỡng này.
Giới đầu tư cũng lo lắng thị trường hình thành mô hình 2 đỉnh, khi ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý 1.250 điểm bị phá vỡ.
Trên thực tế, nhiều dự báo cho rằng, thị trường chứng khoán có triển vọng dài hạn tươi sáng. Nền kinh tế vẫn sáng hơn so với thế giới nói chung. Doanh nghiệp đang hồi phục sau khó khăn. Thị trường bất động sản cũng ấm lên.
Dù vậy, trong ngắn hạn, có nhiều tín hiệu xấu. Tỷ giá USD/VND tăng nhanh, chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD quá cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trong nhiều tháng qua, gây ảnh hưởng tới tâm lý chung trên thị trường.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)