Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương mất 0,07%. Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á - Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng giảm 0,15%. Shanghai Composite (Trung Quốc) và Kospi (Hàn Quốc) mất lần lượt 0,17% và 1,09%.
Các chỉ số tương lai trên sàn chứng khoán Mỹ cũng đang đi xuống. S&P 500 mini Futures giảm 0,15% và U.S. Treasuries futures cũng xuống đáy 6,5 năm.
Chính phủ Mỹ bị đóng cửa từ đêm 19/1 do quốc hội chưa thể thông qua dự luật ngân sách cho giai đoạn tiếp theo. Phe Dân chủ yêu cầu ngân sách tài khóa 2018 phải bao gồm cả việc bảo vệ hàng trăm nghìn người nhập cư không giấy tờ, nhưng phe Cộng hoà bác bỏ.
Lãnh đạo hai đảng ở Thượng viện đã có cuộc gặp ngày 21/1 nhằm nỗ lực tìm ra giải pháp chấm dứt sự cố. Tuy nhiên vẫn chưa rõ họ có đạt được thỏa thuận nào trước ngày 22/1 hay không, theo Reuters.
Nhiều nhà phân tích nhận định Chính phủ đóng cửa trong ngắn hạn chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ lên nền kinh tế. Dù vậy, sự bế tắc kéo dài tại Washington có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào tài sản Mỹ.
"Thị trường không kỳ vọng việc này diễn ra. Khi chứng khoán Mỹ đang tăng mạnh từ đầu năm, sự kiện này có thể thay đổi xu hướng hiện tại", Takafumi Yamawaki - Giám đốc Nghiên cứu Công cụ Trả lãi cố định tại JPMorgan Securities nhận xét. Ông cho biết trong các lần đóng cửa trước - năm 1995 và 2013, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đều có xu hướng giảm vài tuần đầu.
Trên thị trường ngoại hối, Dollar Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn trên thế giới đang giảm 0,2% so với tuần trước và hướng về đáy 3 năm. Trong khi đó, cả euro, franc Thụy Sĩ và yen Nhật đều tăng giá so với USD.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)