Ngày 24-8, các thị trường chứng khoán châu Á chịu nhiều tổn thất lớn, mở rộng mức bán tháo trên toàn cầu.
Hãng tin Bloomberg ví von một cách kịch tính rằng “ngày thứ 2 đen tối” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến chứng khoán châu Á “tắm máu” để miêu tả mức độ suy giảm của thị trường
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm 4,6% trong phiên giao dịch đầu tiên, chỉ số ASX All Ordinaries của Úc cũng giảm 4,0%. Chỉ số KOSPI Composite của Seoul giảm 2,5%. Bên cạnh đó, tiền tệ châu Á cũng được giao dịch ở mức thấp hơn so với USD.
Một phụ nữ ở TP Phụ Dương (tỉnh An Huy, Trung Quốc) dõi mắt theo con số trên bảng điện tử. Ảnh: REUTERS |
Hiện tại, giá dầu giảm mạnh, giảm còn 40 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua. Dầu được xem là huyết mạch tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đang phát triển, những nước mà đồng nội tệ đang có nguy cơ suy giảm trước áp lực giảm tốc của thị trường Trung Quốc.
Tuần trước, chỉ số Dow Jones tụt mạnh tới hơn 1.000 điểm, mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 11,5% so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm mạnh mẽ này là do hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 77 tháng.
Trong tuần này các nhà đầu tư sẽ để mắt tới tình trạng nhập khẩu của Tung Quốc, một thước đo quan trọng đối với nhiều quốc gia đang dựa vào Trung Quốc như là một đối tác thương mại.
Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đã đặt cược vào việc Fed tăng lãi suất trong tháng 9. Tỉ lệ gia tăng lãi suất của Fed sẽ làm tăng chi phí vay vốn và lãi suất cho vay đối với nhiều công ty tại các thị trường mới nổi.